Đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn

(NTO) Năm 2018, phong trào xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) lan tỏa rộng khắp trên địa bàn 7 huyện, thành phố. Theo báo cáo, toàn tỉnh triển khai được 14 CĐL, với tổng diện tích 1.424 ha, lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Yếu tố làm nên thành công đầu tiên phải kể đến giải pháp cơ chế, chính sách đã khai thông những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Lồng ghép linh hoạt các nguồn vốn, huyện đã hỗ trợ nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước ở các vùng sản xuất tập trung với mức 20 triệu đồng/ha, nhờ đó chương trình xây dựng CĐL không những được mở rộng về diện tích mà còn phát triển đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nếu như trước đây, mô hình cánh CĐL chỉ triển khai thí điểm trên cây lúa, thì hiện nay còn có thêm cả măng tây xanh, bắp. Không riêng gì Ninh Phước, một số địa phương khác cũng triển khai có hiệu quả Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh ban hành Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2020. Huyện Ninh Hải có cách làm hay là hợp tác với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố để tiếp nhận giống mới; đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân triển khai mô hình CĐL sản xuất nho kết hợp du lịch miệt vườn ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu
(Ninh Phước) triển khai có hiệu quả ở vụ hè - thu 2018. Ảnh: A.T

Lường trước khó khăn xuất phát từ nông dân là thiếu sự thống nhất trong xây dụng kế hoạch sản xuất dẫn đến việc triển khai mô hình thiếu đồng bộ, sang năm 2018 các địa phương khắc phục tình trạng bằng cách đề cao vai trò của hợp tác xã (HTX) trong vận động nông dân “dồn đất” thực hiện mô hình CĐL có sự liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Với kinh nghiệm làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất bắp giống gần 5 năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) được đánh giá có năng lực chỉ đạo và điều hành tốt trong sản xuất, như: Tổ chức họp dân, lập danh sách các hộ tham gia, tuyên truyền vận động nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đầu tư mở rộng diện tích trồng nho.Ảnh: Văn Miên

Nhìn lại hoạt sản xuất CĐL có những thuận lợi nhất định; trong đó, sự chỉ đạo quyết kiệt của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình là mấu chốt dẫn đến thành công. Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương trong tăng cường công tác vận động, tuyên truyền cũng đã nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, đến thu hoạch. Sự hợp tác của các doanh nghiệp, hợp tác xã từ giai đoạn chuẩn bị đến triển khai thực hiện CĐL tạo được niềm tin cho nông dân an tâm thực hiện mô hình. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp nhìn nhận quá trình thực hiện chương trình CĐL vẫn có những tồn tại như một bộ phận nông dân ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô, diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh múm, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo cần sớm khắc phục để chương trình tiếp tục triển khai tốt hơn ở thời gian tới.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Bài học rút ra từ thực tiễn triển khai mô hình CĐL, đó là, ở đâu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động hưởng ứng chương trình, thì ở đó có thành công. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình phải thường xuyên bám sát địa bàn, làm tốt công tác hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ huật vào sản xuất. Việc liên kết trong sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân và hài hòa lợi ích giữa các bên mới đảm bảo được phát triển bền vững. Vài trò của HTX góp phần quan trọng để quyết định thắng lợi trong sản xuất CĐL, thể hiện ở việc điều hành sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, thương thảo ký hợp đồng đầu tư cho nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Năm 2019, bên cạnh duy trì những CĐL triển khai trong năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình ở tầm cao hơn. Thực hiện Kế hoạch số 4898/KH-UBND ngày 21-11-2017 về Phát động phong trào thi đua sản xuất CĐL giai đoạn 2018-2020, thời điểm hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ động phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tiến hành rà soát tình hình sản xuất, xây dựng phương án nhân rộng mô hình ở những vụ tới.