Nhịp sống mới ở làng gốm Bàu Trúc

Trở lại làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), chúng tôi ghi nhận cán bộ và người dân phấn khởi chuẩn bị đón mừng Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” được tổ chức tại tỉnh ta vào trung tuần tháng 12-2018.

Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt thu hút đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu nghệ thuật chế tác gốm của đồng bào Chăm địa phương, tạo nên nhịp sống mới trong đời sống tinh thần của làng gốm cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á.

Vào những ngày này, các đồng chí trong cấp ủy chi bộ và Ban quản lý khu phố Bàu Trúc tất bật với công việc huy động nguồn nhân lực tham gia chuỗi hoạt động diễn ra tại làng gốm vào ngày 8-12-2018. Theo kế hoạch, khu phố tổ chức 30 cơ sở sản xuất đưa sản phẩm tham gia trưng bày đường gốm kéo dài từ khu vực Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Phước đến Nhà trưng bày gốm Chăm Bàu Trúc. Các cơ sở cử người đại diện giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đến tham quan. Đội văn nghệ khu phố luyện tập biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhu cầu thưởng lãm dân ca, dân vũ dân gian Chăm của đoàn khách dự Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”. Huy động các nghệ nhân gồm ba thế hệ cao niên, trung niên, thiếu niên tham gia chế tác gốm tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc. Xây dựng môi trường làng gốm xanh- sạch- đẹp và vận động nhân dân đón tiếp khách đến tham quan với tình thần trọng thị, thân thiện, an toàn để lại tình cảm tốt đẹp với làng nghề gốm truyền thống…

Sản phẩm gốm mỹ nghệ của cơ sở Đàng Thị Phan làng Bàu Trúc. Ảnh: S.Ngọc

Đồng chí Trượng Thống, Bí thư Chi bộ khu phố Bàu Trúc phấn khởi: Cán bộ, đảng viên, chức sắc và bà con làng nghề Bàu Trúc vui mừng chuẩn bị chu đáo việc đón tiếp đoàn khách tham dự Hội thảo đến khảo sát và tham quan thực tế làng nghề truyền thống Bàu Trúc. Khu phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO thẩm định đưa nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nếu được tổ chức UNESCO công nhận sẽ tạo động lực mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm địa phương.

Các vị chức sắc ở làng Bàu Trúc cho biết tương truyền nghề làm gốm của người dân địa phương do vợ chồng ngài Pôklong Chanh là người cùng thời với vua Poklong Garai truyền dạy. Tính đến nay, nghề gốm Bàu Trúc có bề dày lịch sử trên 800 năm. Dân làng lập đền thờ vợ chồng ngài Pôkong Chanh tại Xóm Cũ và tổ chức cúng tế vào dịp Lễ hội Katê hàng năm để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân có công tạo lập làng nghề. Chế tác gốm là nghề mẹ truyền con nối, con gái làng Bàu Trúc 13-15 tuổi đều phải học làm gốm. Chỉ với đôi bàn tay khéo léo của người thợ “tự xoay” quanh bệ gốm để tạo ra những sản phẩm đất nung làm nên thương hiệu “Gốm Chăm Bàu Trúc” đặc sắc như ngày nay. Toàn làng hiện có 1 HTX, 4 Công ty TNHH, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ thu hút 500 lao động tham gia sản xuất gốm. Doanh thu từ nghề gốm trên 10 tỷ đồng/năm, người lao động có thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc phục vụ nhu cầu trang trí của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Australia. Toàn làng hiện có 598 hộ, với 2.945 nhân khẩu bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, xây dựng nhà ở khang trang, nuôi con học hành thành đạt nhờ thu nhập từ nghề gốm kết hợp sản xuất nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2018, làng Bàu Trúc còn 42 hộ nghèo do già yếu neo đơn, gia đình đông con thiếu lao động.

Được sự tài trợ của Tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam đang thực hiện Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng Bàu Trúc”. Dự án kéo dài từ nay đến tháng 9- 2019, gồm các hoạt động: Tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương về việc phát triển chương trình du lịch văn hóa và cộng đồng; kỹ năng đón tiếp khách du lịch, quản lý du lịch; sản xuất và tiếp thị các đặc sản địa phương hướng tới khách du lịch; lồng ghép trình diễn về di sản với tour du lịch. Qua đó nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, đón tiếp du khách, thực hiện mô hình du dịch stayhome theo hướng chuyên nghiệp, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân làng Bàu Trúc. Hoạt động của dự án góp phần tạo nên nét tươi mới trong đời sống làng nghề vào dịp diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”.

Đồng chí Trượng Thống cho biết thêm, tất cả các công việc chuẩn bị đón tiếp đoàn khách tham dự Hội thảo khoa học quốc tế đến khảo sát và tham quan thực tế làng nghề truyền thống Bàu Trúc được triển khai thực hiện chu đáo. Cán bộ và nhân dân làng nghề đồng thuận cao, tích cực hưởng ứng tham gia hoàn tất các công việc vào ngày 5-12-2018.