Hoàn thành Nghiên cứu cảnh báo sớm lưu vực sông Dinh

Liên doanh Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ xây dựng và tự động hóa Việt Nam, Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh vừa hoàn thành Dự án Nghiên cứu cảnh báo sớm lưu vực sông Dinh. Đây là dự án quan trọng nhằm hỗ trợ tỉnh trong công tác quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Sông Dinh có chiều dài 120 km, cung cấp nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Với tác động của BĐKH, các hiện tượng lụt lội và hạn hán xảy ra ngày càng cực đoan và thường xuyên hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như việc canh tác nông nghiệp của người dân. Để giải quyết vấn đề này, Vương quốc Bỉ đã hỗ trợ Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và Phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại Ninh Thuận; trong đó, có gói Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm lưu vực sông Dinh.

Kết quả Nghiên cứu cảnh báo sớm áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần
làm tốt công tác quản lý nguồn nước, cảnh báo lũ, lụt ở sông Dinh. Ảnh: A.Tùng

Dự án tiến hành nghiên cứu khả thi của một hệ thống cảnh báo sớm sử dụng mô hình lưu vực sông Dinh để xây dựng phần mềm dự báo lũ, dự báo ngập lụt hạ du và hỗ trợ điều hành hồ chứa theo thời gian thực tại các hồ trên lưu vực sông Dinh. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ quản lý dữ liệu tổng hợp và toàn diện bằng công nghệ GIS. Triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, thu thập số liệu và điều khiển từ xa để theo dõi thông tin và cung cấp dữ liệu cho hệ thống cảnh báo sớm bằng việc lắp đặt thiết bị hoàn thiện ở 1 hồ chứa. Mua sắm máy chủ để lưu trữ, tính toán và xử lý số liệu phục vụ hệ thống cảnh báo sớm và quản lý GIS toàn diện.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm là khi các trạm giám sát ngoài hiện trường nhận được tín hiệu từ các đầu đo mực nước, đo mưa, độ mở cửa cống lấy nước và tràn xả lũ, sẽ xử lý, phân tích thành các số liệu và kiểm tra có cần phải gửi về Trung tâm dữ liệu máy chủ hay không. Nếu cần gửi về, các trạm này sẽ kết nối đến Trung tâm dữ liệu máy chủ theo một địa chỉ IP của máy chủ qua mạng điện thoại di động thông qua dịch vụ GPRS (hoặc sóng vô tuyến). Dịch vụ máy chủ sẽ tiếp nhận thông tin và thực hiện ghi số liệu lên hệ quản trị cơ sở dữ liệu PostgreSQL. Phần mềm WR-CCIS tự động tính toán với tần suất hàng giờ và theo thời gian bằng việc kiểm tra thấy có sự thay đổi về số liệu giám sát từ các trạm đo mực nước, đo mưa, độ mở cửa cống lấy nước, tràn xả lũ và dữ liệu lượng mưa dự báo thì sẽ chuyển số liệu mới cập nhật vào mô hình lưu vực sông Dinh và tự động điều khiển chạy mô hình để tính toán dự báo dòng chảy đến các hồ, dự báo các vùng ngập lụt hạ du trong lưu vực theo số liệu mới cập nhật. Kết quả tính toán của mô hình lưu vực sông Dinh sẽ được ghi ra file kết quả, phần mềm WR-CCIS tự động đọc file kết quả rồi ghi lên cơ sở dữ liệu. Từ kết quả tính toán này, người dùng có thể điều chỉnh phương án vận hành hồ chứa cho phù hợp với thực tế. Phần mềm WR-CCIS tự động định kỳ chạy ngày một lần kiểm tra so sánh dữ liệu dự báo và dữ liệu thực đo được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu. Nếu phát hiện thấy sai số vượt cho phép thì tự động hiệu chỉnh các thông số của bộ mô hình MIKE NAM để kết quả dự báo được chính xác hơn. Tại phòng điều hành trung tâm đặt tại nhà quản lý, toàn bộ thông tin về độ mở tràn, độ mở cống, lượng mưa đầu mối, lượng mưa trên lưu vực và dưới hạ du, mực nước hồ, mực nước kênh và mực nước dưới hạ du được hiển thị trên bảng điện tử đặt tại đây. Hình ảnh được truyền từ camera về nhà quản lý sẽ được hiển thị lên màn hình LCD, lưu trữ hình ảnh trên đầu ghi hình có kết nối với mạng internet. Khi người dùng truy cập vào hệ thống để xem hình ảnh thì hệ thống sẽ tự động kết nối đến đầu ghi hình để hiển thị hình ảnh tức thời.

Có thể nói, với việc áp dụng công nghệ tiên tiến, phần mềm Cảnh báo sớm sông Dinh hỗ trợ cán bộ nắm bắt kịp thời các vị trí nguy hiểm cần phải lưu ý để báo cáo lãnh đạo tỉnh và đôn đốc các đơn vị quản lý có phương án xử lý chính xác, qua đó hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra.