KỶ NIỆM NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13-10)

Doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển

Có thể nói, kể từ khi tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi và đổi mới trong thu hút đầu tư thì hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có nhiều khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả hoạt động.

Chỉ tính trong 9 tháng năm 2018 có 306 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 7.149 tỷ đồng, tăng 4,5% số vốn so cùng kỳ; nâng tổng số DN hiện có đến nay lên 2.904 DN, với tổng vốn 45.560 tỷ đồng (bình quân 15,7 tỷ đồng/DN), tăng 1,3 lần số DN và số vốn tăng gấp 2,3 lần so năm 2015.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 2.904 DN đang hoạt động nói trên, lĩnh vực thương mại-dịch vụ đang có số lượng DN hoạt động nhiều nhất, với 1.243 DN, chiếm 42,8%; tiếp đến là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 682 DN, chiếm 23,5%; xây dựng 581 DN, chiếm 20% và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 398 DN, chiếm 13,7%. Nhìn chung, các DN hoạt động khá ổn định, trong 9 tháng năm 2018, số doanh nghiệp gia nhập thị trường một số ngành có tỷ lệ tăng cao, như: sản xuất, phân phối điện tăng 36,8%; xây dựng và kinh doanh bất động sản tăng 47,3%; dịch vụ tư vấn, thiết kế tăng 27,2%. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, có 57 DN ngừng hoạt động trong năm 2017 nay quay lại sản xuất, kinh doanh, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chế biến nha đam
tại Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Ảnh: V.Miên

Đáng ghi nhận là những năm gần đây, cộng đồng DN tỉnh ta tham gia tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, có một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủy sản..., đã phát huy năng lực sản xuất mới sau đầu tư, đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Trung bình mỗi năm, các DN đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm khoảng 56,5% phần thu nội địa; giải quyết việc làm đến năm 2018 đạt trên 25.600 lao động, chiếm 32% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế. Ngoài ra, hằng năm cộng đồng DN, doanh nhân trong tỉnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội; đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của DN ngày được thể hiện khá rõ, nhất là trong việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các sản phẩm đặc thù của tỉnh, như: Nho, táo, thịt dê, cừu... Không những vậy, các DN còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng, để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số DN trong lĩnh vực thương mại tích cực tham gia Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam rất hiệu quả.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tạo điều kiện cho DN phát triển, thời gian qua tỉnh ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Nhờ đó, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động ổn định và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp. Mặt khác, UBND tỉnh còn chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển DN theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và các Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thường xuyên tổ chức hội nghị gặp mặt DN theo chuyên đề hàng tháng để đối thoại, giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ miễn phí phần mềm kế toán Misa cho 71 DN, nâng tổng số DN đã được hỗ trợ lên 310 DN.

Với tinh thần đồng thuận để phát triển, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; rà soát đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác đối thoại DN định kỳ, nhất là các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như chính sách thuế, đất đai... Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhất là các hoạt động hỗ trợ khuyến khích DN khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án sau khi tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) trên cơ sở khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm; đồng thới cũng cố hoạt động của các Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ để thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với DN, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN. Phấn đấu mỗi năm có khoảng 13-15% DN đăng ký thành lập mới; đến năm 2020 tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28-30% trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) và nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chiếm khoảng 68-70% trên tổng số thu nội địa, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.