Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp

(NTO) Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2020 đã tạo chuyển biến tích cực trong ngành Công nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần theo thời gian, năm 2018 ước đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 39,5% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 8,86%/năm.

Đạt được kết quả đó là nhờ tỉnh đã tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển; trong đó, xác định năng lượng tái tạo là nhiệm vụ trọng tâm và công nghiệp chế biến là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ chú trọng khai thông các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, nên từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã kêu gọi, thu hút được 48 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 1.418,8W; 12 dự án điện gió. Tính đến nay, đã có 15 dự án điện mặt trời được triển khai xây dựng; trong đó, có những dự án quy mô lớn nhất trên toàn quốc như Nhà máy Điện mặt trời do Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đầu tư trên địa bàn xã Bắc Phong và Lợi Hải (Thuận Bắc), khi đi vào hoạt động góp phần đưa tỉnh ta trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Riêng điện gió, đã có 3 trụ vận hành thương mại, với tổng công suất 7,8 MW và đang tiếp tục triển khai thêm 4 dự án. Theo quyết định chủ chương đầu tư của UBND tỉnh đã cấp cho các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm dự kiến có khoảng 6-7 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió tiếp tục được khởi công. Điểm đáng mừng từ làn sóng mới đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã có những “con sếu đầu đàn” đến tỉnh ta tích cực tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn lâu dài.

Năng lượng tái tạo góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh:Văn Miên.

Không dừng lại đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản cũng có bước phát triển vượt bậc, tạo ra giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản đặc thù. Để tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp lợi thế, tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến. Với việc hình thành ngày càng nhiều các nhà máy chế biến nông sản đã tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu mía, mì, nha đam, khắc phục được tình trạng tồn đọng hàng nông sản, góp phần vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đáng nói là, các nhà máy không ngừng đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Thực hiện chủ trương ứng dụng thiết bị máy móc trong sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện 11 đề án ứng dụng mô hình kỹ thuật và đổi mới thiết bị trong sản xuất, chế biến hạt điều, rong sụn, nước mắm… đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Ngành công nghiệp chế biến đang ngày càng phát triển, khi hiện nay Nhà máy chế biến nước mắm Cana của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Nhà máy Chế biến măng tây xanh của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận; Nhà máy Chế biến tôm số 1 của Công ty TNHH Thông Thuận đang được triển khai xây dựng, khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ phát huy năng lực sản xuất tăng trưởng cao.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy để thấy, chủ trương phát triển đột phá ngành công nghiệp năng lượng, hướng tới xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là hướng đi đúng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tuy vậy, cũng có những hạn chế, vướng mắc, đó là: sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng tích cực, nhưng chưa có sự bứt phá, còn phụ thuộc vào một số sản phẩm truyền thống; đầu tư hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được triển khai đồng bộ cần sớm khắc phục. Để đạt được mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2018-2020 tăng bình quân 16-18%/năm mà Nghị quyết 06-NQ/TU đã đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đề ra giải pháp cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền tải điện đáp ứng quy mô phát triển; đẩy nhanh tiến độ các công trình, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành kết cầu hạ tầng để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Du Long (Thuận Bắc), Phước Nam, Cà Ná (Thuận Nam).

Từ tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện phát triển ngành Công nghiệp lợi thế, tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước sớm đạt được.