Tp. Phan Rang- Tháp Chàm: Phát triển thương mại - dịch vụ tạo động lực phát triển kinh tế

(NTO) Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020, gần 3 năm qua, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm tập trung các giải pháp phát triển thương mại- dịch vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể tăng trưởng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương.

Trong gần 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thương mại- dịch vụ đạt 12,1%/năm, chiếm tỷ trọng 62,7% kinh tế chung của toàn thành phố. Có được kết quả này là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tiểu thương hoạt động trên lĩnh vực này. Đồng chí Trần Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Để tạo động lực, bứt phá cho ngành thương mại- dịch vụ, ngoài nguồn lực từ ngân sách, thành phố đã tập trung các giải pháp, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, đặc biệt xây dựng, nâng cấp mở rộng mạng lưới giao thông tạo thông thoáng lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian đô thị, hình thành nhiều tuyến phố mua bán sầm uất. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính công, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục trên các lĩnh vực tín dụng, thuế, cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này. Qua đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh không ngừng tăng nhanh về số lượng; nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực, mở rộng quy mô hoạt động.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên

Trong 3 năm qua, có khoảng 1.590 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động, trong đó thương nghiệp chiếm 39,1%, khách sạn, nhà hàng chiếm 24,5%... với tổng vốn đăng ký gần 470 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 565 doanh nghiệp được thành lập, với tổng vốn đăng ký gần 2.900 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay lên đến 989 doanh nghiệp, chiếm 41,9% toàn tỉnh. Ngoài ra đứng chân trên địa bàn thành phố còn có mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng không ngừng nâng cấp, phát triển, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân mà còn góp phần hình thành mạng lưới kinh doanh mua bán văn minh, hiện đại… Hiện thành phố có 17 chợ, gồm 1 chợ cấp 1, 6 chợ cấp 2 và 10 chợ phường. Điểm nhấn trong việc nâng cấp, phát triển mạng lưới chợ trong thời gian gần đây đó là đã xây dựng Chợ đêm du lịch; đồng thời từ nguồn xã hội hóa, thành phố đã xây dựng và đưa Chợ Nông sản Phan Rang đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm việc kinh doanh cho hàng trăm tiểu thương tại chợ Tấn Tài trước đây, tạo mỹ quan đô thị, trật tự giao thông, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thành phố. Trên các lĩnh vực: vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm … phát triển đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp cũng hết sức linh động thực hiện các giải pháp kích cầu thông qua các chương trình khuyến mại, đưa hàng việt về nông thôn, mở rộng thị trường, nhờ đó tăng doanh thu, lợi nhuận.

Góp phần tạo sự bứt phá của ngành thương mại- dịch vụ còn phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ du lịch. Nhiều dự án du lịch được đầu tư nâng cấp tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần quảng bá và phát triển du lịch thành phố. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cấp hệ thống phòng ốc nghỉ dưỡng, mở rộng các tour du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, thu hút du khách. Trung bình hằng năm, thành phố đón từ 1,4-1,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động này đạt từ 540-640 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trung bình hàng năm đạt từ 13.000-15.000 tỷ đồng, tăng bình quân 15,1%/năm.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế, thành phố đã xác định nhiệm vụ những năm tiếp theo sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ, phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 12%/năm, tăng tỷ trọng của ngành này lên đạt mức 63% kinh tế chung của địa phương, tăng 3,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, cụ thể tại khu vực Tháp Chàm, Bình Sơn, Tấn Tài; phát triển thương mại nông thôn, vùng biển; nâng cấp, mở rộng mạng lưới chợ phường, xã theo hình thức xã hội hóa. Triển khai quy hoạch các tuyến phố chính, tuyến phố văn minh với các siêu thị, cửa hàng mua sắm; thí điểm, nhân rộng các tuyến phố ẩm thực, hình thành khu phố mua sắm tập trung các sản phẩm đặc thù của địa phương phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Trong phát triển dịch vụ, thành phố đẩy mạnh khai thác lợi thế tiềm năng du lịch biển, chú trọng du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch văn hóa, tâm linh; đồng thời mở rộng các khu vui chơi, giải trí; đặc biệt kêu gọi đầu tư mở rộng các khu du lịch về hướng Đông- Nam sau khi Đập hạ lưu sông Dinh hoàn thành và đưa vào sử dụng. Qua đó nhằm xây dựng Tp.Phan Rang- Tháp Chàm trở thành trung tâm thương mại- dịch vụ văn minh, hiện đại, điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách bốn phương, góp phần quan trọng đưa kinh tế thành phố ngày một phát triển.