Nếu Mỹ còn phân tâm ở Syria...

Cuộc chiến ở Syria dường như đang bước sang những ngày cuối cùng khi các lực lượng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang dần bao vây những tỉnh thành cuối cùng do phe đối lập kiểm soát. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đang mải miết theo đuổi các cuộc chiến thương mại ở cả ba châu lục cũng như bị chìm đắm trong cuộc chiến chính trị nội bộ, vẫn chưa thể xác định được vai trò mà Mỹ cần đảm nhiệm trong cuộc xung đột cũng như hậu xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Mỹ và nhiều đồng minh của mình trong khu vực có những lợi ích to lớn ở Syria cũng như Trung Đông. Khi mọi vòng vây thắt chặt rồi sau đó quân chính phủ sẽ giành lại được Idlib, điểm cố thủ cuối cùng của phe nổi dậy, thì Trump sẽ phải có những lựa chọn quan trọng. Trump sẽ phải quyết định liệu Mỹ sẽ đóng vai trò ở lĩnh vực nào và làm cách nào Mỹ có thể chấm dứt cuộc chơi vốn nhằm kiềm chế những đối thủ bên ngoài, nhất là Iran và Nga, đồng thời vẫn có thể hậu thuẫn các lực lượng dân chủ trước khi họ rốt cục sẽ bị hất cẳng.

Trong vòng 2 năm qua, đặc biệt là những tuần gần đây, vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm này đã bị hạn chế, trong khi mối đe dọa với các nước láng giềng của Syria lại gia tăng theo cấp số nhân. Năm 2011, Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama và một số nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, sau đó lại chùn bước khi các lực lượng chính phủ Syria giành lại được lãnh thổ và sức mạnh nhờ Nga và Iran "chống lưng". Bảy năm sau đó, với sự yểm trợ của các lực lượng không quân và bộ binh của Nga và Iran, binh sĩ của Assad đã đẩy lùi lực lượng phiến quân và các tay súng IS khiến các lực lượng này co cụm về một số thành trì nhất định ở Syria. Ba năm sau, chính quyền Obama đã có 50 cố vấn Mỹ tại quốc gia Trung Đông này, chủ yếu làm việc với các lực lượng người Kurd mà Washington hậu thuẫn, đồng thời tìm ra những thành phần nổi dậy nào thực sự chống lại Assad. Đến nay, lực lượng cố vấn Mỹ này đã tăng lên gần 2.000 người. Đến thời chính quyền Trump, hồi tháng 4-2017, ông chủ Nhà Trắng này đã ra lệnh thực hiện oanh kích Syria sau một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là do chính quyền Assad thực hiện.

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là Mỹ dường như vẫn không hiểu được một Syria thời hậu chiến sẽ như thế nào. Trump muốn các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực chia sẻ gánh nặng của công cuộc tái thiết Syria, một ý định có thể làm suy giảm hơn nữa tầm ảnh hưởng của Mỹ và giúp tăng cường vai trò của Nga với tư cách là một lực lượng bên ngoài. Ví dụ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ép nhiều nước láng giềng Syria đóng góp 300 triệu USD cho các nỗ lực ổn định hoặc tái thiết ở Syria. Trong khi đó, hôm 17-8, Trump lại hủy khoản trợ cấp trị giá 230 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân và thái thiết những khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng và bị tàn phá sau các cuộc giao tranh trước đây. Cùng lúc đó, Anh cũng cắt trợ cấp tái thiết cho Syria. Sự thoái lui này của Mỹ và các đồng minh chỉ khiến Assad có thể củng cố thêm sức mạnh của mình và nhiều khả năng sẽ chấp thuận Nga đóng vai trò là nước "chống lưng" chính cho Damascus. Ngoài ra, bước lùi của Mỹ còn giúp mở đường cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tăng cường tầm ảnh hưởng ở khu vực theo nhiều cách đi ngược lại các lợi ích của Mỹ. Trên thực tế, hôm 27-8, Tehran cho biết nước này đã đạt được một thỏa thuận hợp tác quân sự với Syria về duy trì sự hiện diện lực lượng của Iran ở Syria, như đã như vậy kể từ năm 2013, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của Mỹ và các nước khác nhằm ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Trong khi đó, kể từ cuối năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hậu thuẫn một số nhóm nổi dậy nhằm lật đổ Assad, đã bắt tay với Nga và Iran trong nỗ lực đem lại hòa bình cho khu vực. Tuy nhiên, không một nước nào trong nhóm bộ ba này đi theo những lợi ích của phương Tây đối với khu vực. Mỗi nước, với những lý do của riêng mình, muốn duy trì quyền lực của Assad và loại bỏ bất kỳ thách thức nào đối với quyền cai trị độc tài của ông ta, đồng thời tạo cơ sở để kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở khu vực không vướng phải bất kỳ thách thức nào. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng cuộc chiến của họ nhằm tiêu diệt người Kurd.

Rủi ro sẽ là quá cao nếu cho phép một kết cục như thế xảy ra ở Syria. Một nước Nga có sức mạnh mới đã đặt chắc một chân ở Syria, quốc gia có chung đường biên giới với Iraq, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, sẽ là một viễn cảnh đầy nguy hiểm vì điều này cho phép Moskva thiết lập một cơ sở hải không quân lớn ở Syria và rồi chi phối toàn bộ phía Đông của Địa Trung Hải. Đồng thời, khi cuộc xung đột ở Syria kết thúc, các tay súng IS ở nước này có thể sẽ phân bố rải rác và tái nhóm hoặc phân tán đến các nước mà chúng ta đã tiên liệu từ trước như Mali, Niger, Cộng hòa Trung Phi hoặc Somalia.

Chắc chắn Trump giờ này đang bị phân tán mối quan tâm về Syria sau hàng loạt rối rắm từ nền chính trị trong nước. Tuy nhiên, Syria là một cuộc khủng hoảng mà Trump có thể chứng tỏ khả năng lãnh đạo thực sự nếu ông sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực và trên thế giới nhằm tìm ra một giải pháp cho Damascus, nhằm chấm dứt cuộc chiến và thiết lập một vai trò sáng suốt của Washington ở quốc gia Trung Đông này.