Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Chuyển biến tích cực từ các mô hình tự quản về an ninh, trật tự

(NTO) Trong những năm qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, đặc biệt là các mô hình tự quản về ANTT tại các đơn vị, địa phương. Hiệu quả từ phong trào góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã xây dựng và duy trì hoạt động nhiều mô hình tự quản về ANTT. Các đơn vị, địa phương tùy vào tình hình và đặc điểm từng địa bàn khu dân cư đã tổ chức, thành lập các mô hình quần chúng tự quản về ANTT trong số hội viên của mình. Trên cơ sở được lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, bồi dưỡng về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực.

 

Lễ ra mắt mô hình “Làng Chăm an toàn về an ninh, trật tự” ở xã Thành Hải. Ảnh: M.Khai

Trong số các mô hình tự quản về ANTT, tiêu biểu có mô hình “Bảo vệ dân phố” với sự tham gia tự nguyện của lực lượng quần chúng, quá trình hoạt động được tập huấn nghiệp vụ, cấp trang phục và hưởng phụ cấp hàng tháng, nên qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, lực lượng bảo vệ dân phố có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn ANTT thông qua việc phát hiện và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về ANTT cho lực lượng chức năng; tham gia tổ chức hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; phát huy được vai trò xung kích trong việc tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn, là lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mô hình “Đội dân phòng” cũng được đánh giá phát huy hiệu quả tích cực. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 4 đội dân phòng ở các phường: Tấn Tài, Thanh Sơn, Văn Hải và Đông Hải, với 53 đội viên. Lực lượng dân phòng trực tiếp phối hợp cùng công an các cấp, các ban, ngành đoàn thể thực hiện nhiều biện pháp, kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở… Trong các mô hình do địa phương nghiên cứu xây dựng trên cơ sở thực tế tình hình ANTT và đặc điểm từng địa bàn khu dân cư, có mô hình “Vì lợi ích cộng đồng đùm bọc vươn lên” ở phường Kinh Dinh và mô hình “Cảm hóa giáo dục đối tượng lầm lỡ” ở phường Văn Hải, đã phát huy tác dụng, giúp đỡ nhiều người lầm lỡ trở thành công dân tốt, không tái phạm, có trường hợp còn tích cực tham gia, giúp lực lượng công an trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở phường Phủ Hà, Đông Hải và Mỹ Hải; mô hình “Tổ tuần tra nhân dân” ở phường Phước Mỹ cũng đang được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Gần đây, có một số mô hình mới đi vào hoạt động đã phát huy tác dụng hiệu quả tích cực, đó là mô hình “Làng Chăm an toàn về ANTT” ở thôn Thành Ý, xã Thành Hải; mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy” tại Trường THCS Lê Hồng Phong…

Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các mô hình

Trước tình hình ANTT diễn biến phức tạp, ý thức tự giác tham gia công tác xã hội, nhất là đảm bảo ANTT của một bộ phận người dân có phần hạn chế, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” từng được đánh giá là phù hợp và đã được các địa phương thành lập hơn 5 năm. Tuy nhiên, quá trình theo dõi, tổ chức sơ, tổng kết hằng năm cho thấy mô hình này chỉ mới phát huy được hiệu quả ở địa bàn phường Phủ Hà, còn tại phường Đông Hải, Mỹ Hải, tuy có thành lập nhưng chỉ mang tính hình thức.. Hay một số mô hình “Đội thanh niên xung kích” ở các phường; Phủ Hà, Thanh Sơn, Đài Sơn, Thành Hải từng được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ, nhưng quá trình hoạt động chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, khi mới thành lập, nhiều hội viên trong các mô hình tích cực hoạt động, tham gia giữ gìn ANTT, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhưng sau vài tháng ngừng hoạt động. Đơn cử, mô hình “Đội thanh niên xung kích” ở các phường hiện hoạt động cầm chừng.

Theo đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thành lập các mô hình tự quản về ANTT còn mang tính tự phát, chưa thống nhất và chưa phát huy hết sức mạnh. Việc phát triển và nhân rộng còn hạn chế, công tác động viên khen thưởng chưa kịp thời. Đa số các mô hình tự quản về ANTT chỉ hoạt động tốt trong thời gian đầu mới thành lập, sau đó chưa được quan tâm, duy trì tốt. Nguyên nhân do công tác chỉ đạo của một số đơn vị, địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa thật sự toàn diện. Các mô hình hoạt động trên cơ sở tự nguyện, nên việc trang bị phương tiện, chế độ, chính sách đãi ngộ hầu như không có, đã tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các mô hình. Trong khi đó, việc xã hội hóa nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của các mô hình chưa thực hiện được.

Trung tá Nguyễn Xuân Phong, Trưởng Công an Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Để các mô hình tự quản về ANTT hoạt động có hiệu quả cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; trong đó, lực lượng công an đóng vai trò tham mưu hướng dẫn, có sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cùng sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền động nhân dân tự giác tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thật sự lan tỏa cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần xã hội hóa công tác đảm bảo ANTT.