(NTO) Trong thời gian qua, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, tình trạng cho vay và thế chấp tài sản bằng hình thức phát tờ rơi, biển quảng cáo rao vặt được dán đầy trên những trụ đèn, trụ điện, tường rào và các địa điểm công cộng, với nội dung rất hấp dẫn như: “Công ty hỗ trợ tài chính, cho vay lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, chỉ cần Photocoppy CMND, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, giải ngân trong ngày…” hoặc “Công ty cho thuê tài chính, mua bán, thế chấp xe cũ, với mức ưu đãi lên đến 90% giá trị tài sản”, chỉ cần liên hệ số điện thoại sẽ giao tiền tận nơi…
Nhiều quảng cáo cho vay nặng lãi dán trên trụ điện tại
đường 21 Tháng 8 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ.
Thoạt nhìn người dân cứ tưởng đây là việc làm nhân đạo, giàu lòng nhân ái, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, hoạn nạn.. Vậy nên không cần đắn đo suy nghĩ, sau khi đọc được các thông tin “rao vặt”, nhiều người hối hả tìm đến địa chỉ công ty, tìm đến đối tượng cho vay để được vay vốn, được thế chấp, cầm cố tài sản…Trước những lời cám dỗ ngon ngọt đó, một số người không hiểu biết đã ký ngay hợp đồng vay hàng trăm triệu đồng; có người bán mô tô, xe máy, ô tô cho bọn chúng sau đó làm hợp đồng thuê xe trở lại hoặc có người thế chấp, cầm cố để được nhận số tiền lớn, nhưng thực chất đều là cho vay nặng lãi khoảng từ 20 đến 30%/tháng. Với mức lãi suất cao như vậy, nhiều người sau khi vay, chỉ trong một thời gian ngắn đã trả lãi thâm vào tiền vốn, do vậy không có khả năng trả tiền vay gốc cho đối tượng, dẫn đến tình trạng các đối tượng cho người đến nhà siết nợ, siết tài sản, nhà cửa, đất đai, thậm chí đe dọa hành hung tính mạng..
Qua tiếp xúc với chị Lê Nguyễn Hoài Mộng ở An Hải (Ninh Phước), chúng tôi được biết: Vào tháng 10-2015, do cần vốn làm ăn, chị đã vay 50 triệu đồng từ các đối tượng trên để đầu tư vào việc buôn bán và trồng nho, với lãi suất 500 ngàn đồng/ngày. Vì thế hàng ngày làm được bao nhiêu chị phải trả lãi hết cho bọn chúng. Những ngày buôn bán ế ẩm, chị phải vay mượn thêm bên ngoài mới có tiền trả lãi. Từ ngày vay vốn, chị ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng lo lắng, chị đã gắng gượng hết mình trả lãi được 9 tháng, với số tiền 145 triệu đồng. Do làm ăn ngày càng thua lỗ, nợ nần thêm chồng chất, cái gì bán được chị cũng đã bán để trả lãi vay, nhưng ngày nào không có tiền trả lãi, thì bọn chúng lại gọi điện thoại, cho “đàn em” đến đòi nợ, hù dọa, quấy nhiễu…Sợ bị đánh đập, bắt cóc, tống tiền… chị đã cùng gia đình trốn vào Bình Dương làm ăn. Được một năm thì bọn chúng tìm vào tận nơi, ép chị ký vào giấy bán nhà và 2.700m2 đất, với giá 180 triệu đồng. Bọn chúng trừ hết vào tiền vay trốn nợ. Mặc dù vô cùng uất ức, nhưng chị cũng phải cam chịu. Từ người đang có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa, đất đai, làm ăn chân chính, gia đình phải trốn nợ, phải xa phương cầu thực và trở thành người trắng tay, nhưng chị không dám kêu than, không dám tố cáo, vì sợ bọn chúng trả thù...
Ngoài ra, qua tiếp xúc với nhiều nạn nhân khác, họ cho biết cũng cùng cảnh ngộ như chị Mộng. Ban đầu có người chỉ vay 30 triệu đồng, qua 2 năm trả lãi trên trăm triệu đồng, nhưng tiền vốn ngày càng tăng lên. Đã thế ngày nào không có tiền trả lãi, bọn chúng lại đe dọa, quấy nhiễu, nếu để kéo dài thì bị phạt gấp đôi, gấp ba và cộng vào tiền gốc. Vì vậy, nhiều người cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn, càng điêu đứng hơn.
Đây là chiêu bài của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Để đạt được mục đích, đạt được lợi nhuận, bọn chúng không từ một thủ đoạn nào. Ban đầu bọn chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt để dụ dỗ, lôi kéo người vay, khi ký vào hợp đồng rồi thì người vay trở thành công cụ, trở thành chiếc thòng lọng cho bọn chúng siết đến trắng tay, đến tan gia bại sản. đó là bản chất của hoạt động tín dụng đen. Qua vụ việc trên, mọi người chúng ta phải hết sức cảnh giác, phải tránh xa đối với bọn cho vay nặng lãi với chiêu trò “Công ty hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, mua bán xe cũ, thế chấp, cầm cố tài sản” trá hình – đó chính là những cái bẫy chết người”./.
Sơn Hà