Ông Trần Văn Mười đưa nước từ trên núi về làng phục vụ sản xuất hiệu quả

(NTO) Để “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái nằm bên sườn núi của gia đình ông Trần Văn Mười, từ đường trục thôn, vượt hơn 15km đường rừng đến vùng Bến Táo thuộc thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi 2 bên đường là những bụi gai xương rồng, còn đất đai thì khô cằn, nhưng càng tiến sâu vào bên trong núi càng thấy rõ hơn 20 ha vườn cây ăn trái gồm mít, bưởi, xoài, chuối xanh mơn mởn làm dịu mát cả một vùng.

Đi giữa vườn cây ăn trái đầy bóng mát với tiếng gió xào xạc, không còn cái nắng rát da như đoạn đường đi vào, chúng tôi thật khâm phục sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm của ông Mười. Vốn sinh ra ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang Tháp Chàm), hơn 20 năm về trước, ông Mười gắn bó với nghề khai thác hải sản, nhưng lênh đênh trên biển vẫn không có nguồn thu nhập ổn định, ông quyết định tìm đến vùng đất mới và “bén duyên” với nghề nông để lập nghiệp. Trước kia nơi đây chẳng khác gì một vùng đất hoang vu sỏi đá, với biệt danh 3 không “không điện, không nước, không nhà”. Vậy mà ông vẫn cần mẫn khai hoang vùng đất này sinh sống, nhiều năm trồng trọt chỉ trông chờ vào nước trời bấp bênh nhưng ông không nản lòng. Ngày ngày ông luôn thao thức nghĩ cách lên núi đưa nước về làng. Ông Mười tâm sự: Khi vào rừng, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống khe suối nước chảy róc rách đêm ngày, tôi nung nấu ý định tìm cách đưa nước về đất sản xuất. Lúc đầu tôi đem chuyện này ra bàn ai cũng phản đối, lắc đầu ngao ngán, sức đâu làm nổi khi con suối nằm ở dưới đáy của ngọn núi cao hơn 30m, ngăn cách đất của mọi người. Nói là làm, dù không được sự ủng hộ của bà con quanh vùng nhưng ông Mười vẫn vạch kế hoạch mua ống nhựa lên núi lăn đá vận dụng nguyên lý bình thông hơi, bắc ống nước từ dưới chân núi lên đỉnh, từ đỉnh núi làm đường ống chảy về đất sản xuất hơn 5km, ròng rã hơn cả tháng trời công sức của ông cũng được đền đáp. Ông Mười cho biết thêm: Sống ở một nơi khô cằn khi thấy được nguồn nước như tiếp thêm cho tôi động lực đem màu xanh về vùng đất này. Khi bắc ống nước từ dưới chân núi lên đỉnh núi, tôi làm như cách mình hút xăng từ trong bình xe máy ra vậy, ống đầy xăng cùng với áp suất không khí vừa đủ thì sẽ hút được xăng chảy ra, áp dụng như vậy, tôi bắc đường ống nước từ đỉnh núi về vùng sản xuất. Có được nguồn nước dồi dào, cải tạo được hàng chục hécta đất hoang, cuộc sống gia đình ông Mười dựa vào những mẫu ruộng trồng bắp bước đầu sung túc, khấm khá hơn. Cùng với đó, để kéo đường dây điện từ trong làng về vùng sản xuất của gia đình quá xa, chi phí tốn kém ông lại tiếp tục dựa vào sức nước chảy mạnh, làm tuốc-bin tạo dòng điện chiếu sáng trong nhà.

Ông Trần Văn Mười đã cải tạo hàng chục hécta đất khô cằn trồng cây ăn trái đem
về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Những năm về sau khi được tiếp cận với các chương trình phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, cũng như tìm hiểu, tham quan các mô hình phát triển kinh tế bền vững qua Hội Nông dân xã, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông lại nung nấu ý định trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình bền vững và phủ xanh vùng đất này. Ông Mười quyết định về Bến Tre tham quan mô hình trồng mít Thái của người dân nơi đây, rồi mạnh dạn mua hơn 500 cây giống về trồng. Sau 3 năm cây mít cho thu hoạch ổn định. Thấy hiệu quả từ cây mít mang lại, ông quyết định nâng diện tích trồng mít lên đến 5 ha. Với số tiền thu được từ việc trồng mít Thái hằng năm, ông Mười đầu tư chăm sóc và mở rộng trồng xoài, bưởi, chuối ... Có kinh nghiệm từ trồng trọt nên vườn cây của ông Mười xanh tốt, trĩu quả, đến nay vườn nhà ông có hơn 5 ha mít Thái, 10 ha trồng cây trôm, 4 ha trồng bưởi, 1 ha trồng xoài, 5 ha trồng chuối sứ... đang trong độ thu hoạch trái những năm đầu. Mỗi tháng vườn cây ăn trái đem về thu nhập hơn 50 triệu đồng. Tận dụng tán cây ông nuôi thả hơn 200 con gà và 60 con dê. Đồng thời để tiết kiệm thời gian chăm sóc khu vườn có diện tích lớn này ông đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp hệ thống nước tưới phun mưa nhằm hạn chế công lao động cho việc chăm sóc mỗi ngày.

Ngoài việc phát triển sản xuất gia đình, ông Mười còn chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và hướng dẫn cho bà con quanh vùng cách dẫn nước từ trên núi về vùng sản xuất. Từ hoàn cảnh khốn khó, nhờ bàn tay lao động cần cù đến nay gia đình ông Mười đã có “của ăn, của để”, điều này đã khiến cho bà con nơi đây rất khâm phục ý chí vươn lên thoát nghèo của ông. Mặc dù đang vào mùa khô hạn nhưng những ống nước của ông Mười vẫn chảy ngày đêm. Mong sao ước mơ phủ xanh vùng đất này bằng những cây ăn trái thay thế những bụi xương rồng của ông Mười sẽ thành hiện thực.