Tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp

(NTO) Hướng tới mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, phát triển bền vững; thời gian qua, ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, từng bước nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản phẩm, tạo chuyển biến tích cực.

Nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các loại cây trồng, vật nuôi, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào bảo tồn và phục tráng các loại cây, con đặc thù của từng địa phương. Tiêu biểu như nghiên cứu thành công giống nho NH01-152 có ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, đến nay giống nho mới được đưa vào sản xuất rộng rãi ở nhiều địa phương, mở ra triển vọng mới cho nghề trồng nho ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động tuyển chọn, đánh giá các giống gốc ghép cây ăn quả, như: táo, xoài, mít, mãng cầu, nhãn, ổi… của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố chuyển giao cho nông dân trồng ở những vùng khô hạn cũng đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Đối với vật nuôi, đã chọn lọc, xây dựng đàn hạt nhân cao sản theo 2 kiểu hình: Cừu Phan Rang lông tơ và cừu Phan Rang lông xoắn. Kết quả lại tạo từ giống cừu chuyên thịt cao sản của Úc với cừu Phan Rang từ chương chình khuyến nông cho ra thế hệ cừu có trọng lượng vượt trội, đạt 45-50 kg/con, nặng hơn cừu địa phương 10 kg. Thực hiện tốt tốt công tác chuyển giao KH&CN vào chăn nuôi đã đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân trên toàn tỉnh, nhất là những vùng có lợi thế phát triển đàn gia súc ở các huyện: Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc.

Quảng bá hàng nông sản đặc thù của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức.

Về lĩnh vực thủy sản, ngành Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát, đề ra giải pháp phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trung tâm Giống hải sản cấp I (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đầu tư hệ thống trại nghiên cứu, sản xuất; ao nuôi thử nghiệm, phòng kiểm tra xét nghiệm chỉ số nước đạt chuẩn, phục vụ cho lai tạo thành công giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chim vây vàng, cá mú, cá chẽm, các bớp, hàu đại dương. Hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm nước lợ cũng đang được các địa phương triển khai mạnh, các hộ nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như anh Võ Văn Sơn, ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) trở thành tỷ phú sử dụng các biện pháp tăng hàm lượng KH&CN vào nuôi tôm. Dự án Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao của anh đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vừa qua.

Không dừng lại ở việc tăng hàm lượng khoa KH&CN trong mặt hàng nông sản chủ lực, ngành chức năng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở KH&CN đã thực hiện các giải pháp nhằm phát triển Chỉ dẫn địa lý thịt cừu Ninh Thuận; Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận, nước mắm Cà Ná; Nhãn hiệu tập thể Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc. Bên cạnh đó, UBND huyện Thuận Nam đã hoàn chỉnh và ban hành quy chế quản lý, quyết định cấp Chứng nhận nhãn hiệu cho Cơ sở nước mắm Hai Non. UBND huyện Ninh Sơn cũng đã hoàn thiện, ban hành Quy chế sử dụng đối với Nhãn hiệu chứng nhận trái cây Ninh Thuận và Măng tây xanh.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Thời gian qua, hoạt động của đơn vị bám sát vào chiến lược, định hướng xuyên suốt của tỉnh là từng bước tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản có lợi thế. Kết quả đạt được trong thực hiện chương trình góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.