Giải bài toán phát triển du lịch tỉnh nhà

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh ta đón hơn 30.000 lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó, có khoảng 5.000 khách nước ngoài).

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh ta đón hơn 30.000 lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó, có khoảng 5.000 khách nước ngoài). Đây là tín hiệu đáng mừng vì du khách trong và ngoài nước đã dần biết đến Ninh Thuận. Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Tuấn Huy (Giám đốc Công ty CP Quảng cáo Truyền thông & Du lịch Thanh Niên): “Muốn giữ chân khách, chúng ta phải xây dựng được chiến lược phát triển bền vững…”.

Khai thác du lịch mà không làm mất vẻ hoang sơ của vịnh Vĩnh Hy là một bài toán khó.

Với hơn 6.000 lượt khách lưu trú trong dịp tết, 42 nhà nghỉ, khách sạn trên toàn tỉnh hầu như hoạt động hết công suất và luôn trong tình trạng quá tải. Ông Trần Vượng-Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, phần lớn du khách đến Ninh Thuận theo tour của các công ty lữ hành của Tp.Hố Chí Minh, trong đó, Ninh Thuận là một trong những điểm dừng chân để tham quan, còn lượng khách lưu trú tuy có tăng nhưng không nhiều. Ông Vượng phân tích thêm: “Hiện khâu tổ chức tour du lịch của chúng ta còn tương đối yếu, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng chưa mạnh.”. Qua tìm hiểu cho thấy các dịch vụ vui chơi tại các khu du lịch trong tỉnh hầu như rất thiếu, điều này là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến du khách không mặn mà với “thị trường du lịch” tỉnh ta. Bạn Trương Thế Duy (Q.Bình Tân – Tp.Hố Chí Minh) lần đầu tiên đến suối Lồ Ồ (Vĩnh Hải – Ninh Hải) ái ngại: “Suối Lồ Ồ của các bạn rất đẹp, rất thú vị, nhưng mà nhiều rác, và hình như… không có nhà vệ sinh…”.

Còn bạn T.T.Long (Ba Tri - Bến Tre) – một du khách đến tham quan vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải – Ninh Hải) nhận xét: “Ở đây vẫn còn nét hoang sơ rất đặc biệt, nhưng hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng,… chưa nhiều, chưa thật xứng tầm. Mình đã đi nhiều nơi, mình nghĩ nếu có chiến lược phát triển tốt thì ngành du lịch của các bạn sẽ không thua bất cứ đâu.”

Rõ ràng tỉnh ta không thiếu cảnh đẹp, nhưng tại những điểm du lịch, vẫn còn rất ít các loại hình dịch vụ đi kèm… nếu có thì cũng manh mún, tự phát, quy mô nhỏ. Do vậy, nếu nói một cách hóm hỉnh thì… “du khách muốn tiêu tiền mà các điểm du lịch của ta không có dịch vụ để họ tiêu.”

Khó khăn là vậy, nhưng về bức tranh du lịch tỉnh nhà trong tương lai, ông Trần Vượng phấn khởi: “Chúng ta là những người đi sau nên sẽ có lợi thế được tham quan, học tập kinh nghiệm tỉnh bạn. Công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư du lịch của tỉnh ta đang được đẩy mạnh. Tôi tin tưởng vào du lịch Ninh Thuận sẽ phát triển bền vững trong tương lai, trở thành ngành kinh tế trụ cột thứ 2 của tỉnh ta, sau năng lượng.”

Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ du lịch là những tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch tỉnh nhà. Làm thế nào để khai thác, phát triển toàn diện những tiềm năng, lợi thế ấy là bài toán mà ngành du lịch phải có lời giải thoả đáng, để đạt được mục tiêu đóng góp 12% GDP của tỉnh vào năm 2020.