Manila giữ lập trường không đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

(NTO) Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ thực hiện "hành động ngoại giao thích hợp" để bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, nhưng không chỉ rõ hay nêu đích danh Trung Quốc trong chính sách không đối đầu.

Chính sách này ngay lập tức gây ra sự chỉ trích. Tuần trước, lần đầu tiên Trung Quốc đáp máy bay ném bom tầm xa xuống một hòn đảo bị chiếm đóng trên vùng biển tranh chấp. Việc này cho thấy Trung Quốc có khả năng tấn công khắp khu vực Đông Nam Á và xa hơn thế, đồng thời làm gia tăng sự lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Cuối tuần trước, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng việc Trung Quốc “quân sự hóa” các khu vực tranh chấp làm mất ổn định khu vực.

Ngày 21-5, Bộ Ngoại giao Philippines tái khẳng định chính phủ nước này cam kết bảo vệ "từng centimet" lãnh thổ và các khu vực mà Philippines có quyền chủ quyền. Tuy nhiên, bộ này nói thêm rằng các phản ứng của Philippines trước những diễn biến cụ thể trên Biển Đông có thể sẽ không được công khai.

Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Trong khi các kênh ngoại giao truyền tải rõ ràng ngôn từ phù hợp, dù là lên án hay lo ngại về những diễn biến cụ thể, chính sách của Philippines là không công khai mọi hành động của chính phủ Philippines bất cứ khi nào có tin tức về những diễn biến xảy ra. Chúng tôi đang áp dụng cách tiếp cận khác để tránh bất kỳ trở ngại và thách thức nào.”

Khi được hỏi về phản ứng trước việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom tầm xa, tại buổi họp báo sau đó, ông Harry Roque, người phát ngôn tổng thống nói: “Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tác động của việc này đối với các nỗ lực kiến tạo nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario là người đi đầu trong việc thách thức pháp lý đối với các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong vụ kiện lên tòa trọng tài quốc tế mà Philippines giành chiến thắng hồi năm 2016. Ông Rosario kêu gọi người dân Philippines yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte “chủ động và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ những gì thuộc về Philippines.”

Theo ông, một cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân Philippines muốn Philippines khẳng định quyền chủ quyền của nước này như đã được phán quyết của tòa trọng tài ủng hộ.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez nói: “Tại sao chúng ta quá nhút nhát khi đối mặt với chính sách ngoại giao tên lửa và máy bay ném bom của Trung Quốc. Thế giới đang dõi theo và phản ứng e dè của chúng ta là ‘hành động ngoại giao’ mơ hồ.”

Cách đây gần 2 năm, sau khi trở thành tổng thống, ông Duterte thực hiện các bước đi nhằm hâm nóng mối quan hệ băng giá giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp trên biển nhằm bảo đảm có được nguồn đầu tư và hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng từ phía Trung Quốc, trong khi thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ - đồng minh theo hiệp ước của Philippines.

Ngay lập tức, ông Duterte từ chối yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 và liên tục tuyên bố ông sẽ không tham gia đối đầu vũ trang với Trung Quốc.

Ông del Rosario nói: “Chúng tôi phản đối chiến tranh và chúng tôi sẽ như thế. Tuy nhiên, nếu bị đe dọa bằng vũ lực, ít nhất, chúng tôi sẽ sẵn sàng đấm chảy máu mũi kẻ tấn công gây hại đến chúng tôi.”

Theo ông Rosario, việc mua tên lửa hành trình chống hạm Brahmos của Ấn Độ có thể là điểm khởi đầu tốt để tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Philippines.

Chính quyền của ông Duterte cũng không đưa ra bất cứ lời chỉ trích đối với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, gồm có việc lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa trên 7 đảo nhân tạo gần các khu vực tranh chấp.

Các máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận. Việc này có nghĩa là tất cả khu vực Đông Nam Á sẽ ở trong tầm ngắm của Trung Quốc. Tin tức cho biết các máy bay ném bom đáp xuống đảo Phú Lâm, căn cứ lớn nhất của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa - nơi mà Việt Nam và Đài Loan đều đòi hỏi chủ quyền.