ASEAN: Những việc cần làm khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi

(NTO) Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore chi nhánh ở Hong Kong, phát biểu tại Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ hai diễn ra tại Singapore mới đây, Đại sứ lưu động của Singapore, Giáo sư Tommy Koh, cho rằng ở vào thời điểm Trung - Mỹ có thể nổ ra cuộc chiến thương mại vào bất cứ lúc nào, 10 nước ASEAN cần phải đoàn kết nhất trí và giữ thái độ trung lập mới có thể tiếp tục đóng vai trò “điều phối viên”, quy tụ các cường quốc và các bên có lợi ích liên quan khác đi đến đối thoại.

Có ý kiến cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực đối với ASEAN từ việc quan hệ Trung - Mỹ xấu đi dường như đã bị thổi phồng quá mức, “bởi ASEAN hiện là tổ chức duy nhất có thể quy tụ đại diện của Trung Quốc và Mỹ tham gia đối thoại”, trong khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn thực tế càng củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Về vấn đề này, Giáo sư Tommy Koh cho rằng ASEAN phải đáp ứng hai điều kiện để phát huy vai trò này, nghĩa là “đạt được sự đoàn kết và không chia rẽ, đồng thời duy trì sự trung lập và độc lập, không nghiêng về bất kỳ bên nào hay gần gũi bất cứ thế lực nào”. Ông nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của ASEAN trước tiên phải là thiết thực đối với ASEAN, còn lại các nước hay các bên có lợi ích liên quan bất kể là lớn hay nhỏ đều xếp thứ hai. “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các nước lớn sẽ coi ASEAN là một tổ chức có ảnh hưởng lớn và có lợi, nhưng chúng tôi không muốn dựa vào bất kỳ quốc gia nào”. Ông cho rằng, nếu không giữ được trạng thái cân bằng trong chính sách trên, ASEAN sẽ mất đi tất cả những gì đã xây dựng được trong nhiều năm qua.

Tại diễn đàn trên, cựu Viện trưởng Viện Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Kishore Mahbubani, cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của các nước ASEAN hiện nay là củng cố mối quan hệ trong nội bộ ASEAN, đồng thời xây dựng, trau dồi cho người dân ASEAN ý thức thuộc về ASEAN.

Liên quan đến hiện trạng quan hệ Trung - Mỹ, Giáo sư Kishore cho biết gần đây ông đã đến thăm một số học giả ở Mỹ và cũng đã đến Trung Quốc để gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này, họ (nhân sĩ hai nước) đều cho rằng có vô số khó khăn phía trước. Theo quan điểm của Kishore, vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần xuất phát từ phía các nhà lãnh đạo, mà phản ánh sự chuyển giao quyền lực giữa hai bên, kể cả trong trường hợp thay đổi lãnh đạo, hai bên vẫn sẽ tồn tại những va chạm, xung đột.

Giáo sư Tommy Koh cho rằng chỉ cần Mỹ không coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của nước Mỹ, tình hình vẫn có thể cứu vãn, và quan điểm tiêu cực hiện nay của người Mỹ về Trung Quốc vẫn chưa đạt đến điểm giới hạn nguy hiểm. Ông cho biết thêm: “Mỗi cuộc thăm dò dân ý đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ ngày càng giảm. Điều làm người ta lo ngại hơn là, những nhóm doanh nghiệp Mỹ trước đây có thể cân bằng làn sóng chống Trung Quốc đến nay cũng đã không còn ủng hộ Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông vẫn mong đợi các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ sẽ đạt được kết quả tốt.

Giáo sư Kishore cho rằng điều này khiến ASEAN đang đối mặt với “thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử”, bởi Mỹ - do muốn kiềm chế Trung Quốc - có thể sẽ lợi dụng vấn đề Biển Đông để gây rắc rối, đến lúc đó tình thế của ASEAN sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, chuyên gia Tommy Koh lại giữ thái độ lạc quan. Ông cho rằng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Singapore hồi tháng 4 vừa qua, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã nhóm họp để thảo luận về vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn còn một số khác biệt cơ bản chưa được giải quyết, song cũng đã nhấn mạnh đến những tiến triển tốt đẹp của các cuộc đàm phán về “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).