Chuyện về Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm

(NTO) Trong ngôi nhà ấm áp của người con gái ở phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, ngồi nghe bà kể chuyện về quãng đời hoạt động cách mạng, chuyện những lần được gặp Bác Hồ, được Người trao tặng Huy hiệu Bác Hồ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác…chúng tôi càng thêm tự hào về tấm gương nữ Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm (ảnh).

Sinh năm 1932, trong một gia đình cách mạng tại xã Nguyên Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bản thân bà, năm 15 tuổi, làm liên lạc cho du kích xã, sau đó làm giao liên cho huyện và năm 1952 được biên chế vào bộ đội tỉnh Thừa Thiên- Huế, làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh tại Bệnh xá Tỉnh đội. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7-1954, nữ bộ đội Hồ Thị Lượm từ chiến khu Dương Hòa ở Thừa Thiên-Huế tập kết ra Bắc, cùng tiểu đoàn về Nghệ An xây dựng đồng muối tại Xí nghiệp Muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Hoan, huyện Quỳnh Lưu. Một thời gian sau, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, trên đồng muối vắng dần những đồng đội nam của cô Lượm. Năm 1963, một tổ sản xuất gồm 16 phụ nữ được thành lập ở Xí nghiệp Muối Vĩnh Ngọc, cô Lượm được bầu làm tổ trưởng.

Khu vực sản xuất của tổ nữ gọi là đường 19, nhiều mùa muối không tổ nào đạt kế hoạch sản xuất, vì ở vị trí cao nên không đủ nuớc mặn; sân phơi vừa ít vừa xấu…Từ khi nhận nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Thị Lượm, tổ nữ đã cải tạo mương dẫn nước rộng và sâu hơn; xây cống để chủ động lấy nước; cải tạo sân phơi; theo dõi kỹ diễn biến thời tiết nhằm tận dụng thời gian nắng tốt…Với cách làm sáng tạo, tổ muối của bà Hồ Thị Lượm luôn vượt sản lượng kế hoạch, về đích trước thời gian. Năm 1964, đạt 107% kế hoạch, năm 1965 đạt 111,5% kế hoạch và về đích trước 72 ngày, năm 1966 đạt 115,5% kế hoạch và về đích trước 108 ngày. Năng suất muối đạt 24 tấn/ha/năm, cao nhất toàn ngành muối và gấp 3 lần năng suất muối do dân địa phương làm. Nhiều người dân địa phương bỏ hoang ruộng muối nay lại hăng hái trở lại làm muối theo cách làm của bà.

Ngoài sản xuất muối, Tổ của bà còn làm nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng tham gia bắn hạ máy bay địch khi chúng ném bom phá hoại miền Bắc. Từ năm 1965, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, tổ nữ Hồ Thị Lượm phải đào giao thông hào làm đường đến khu vực sản xuất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Ngoài mồ hôi, hạt muối trong thời kỳ này còn nhuộm máu của các tổ viên nữ. Sau một trận đánh máy bay Mỹ trên đồng muối, Bác Hồ đã gửi tặng Hồ Thị Lượm một chiếc huy hiệu của Người. Và trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước năm 1967, người công nhân-chiến sĩ Hồ Thị Lượm đã được vinh dự tuyên dương Anh hùng Lao động.

Tâm sự với chúng tôi, việc bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tại Hà Nội (Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ IV) tháng 1-1967 và được gặp Bác Hồ là điều hạnh phúc nhất trong đời. Bà bảo: Danh hiệu Anh hùng Lao động là một bất ngờ mà tôi không nghĩ tới. Lúc đó, tôi còn trẻ, cống hiến chưa nhiều nên vinh dự này là của cả tập thể. Trong lao động, mọi người xả thân vì trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc, với Nhân dân. Tôi luôn nhớ lời dặn của Bác: "Danh hiệu anh hùng là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước giao cho các cháu nên các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Nhớ lời dặn của Bác, ngay sau ngày được phong Anh hùng Lao động, bà Hồ Thị Lượm lại trở về tiếp tục cùng anh em dầm mình trên khắp các công trường muối. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, bà lại cùng người chồng theo tiếng gọi vào Nam xây dựng, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Vùng đất bà đến là Thuận Hải (nay là Bình Thuận và Ninh Thuận). Vợ chồng bà được trên điều động về Xí nghiệp Muối Cà Ná. Lúc này ông Nguyễn Đình Kinh, chồng bà làm Giám đốc, còn bà giữ nhiệm vụ Trưởng phòng Tổ chức. Dù ở cương vị công tác nào bà cũng luôn luôn cố gắng hết sức mình để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nghỉ hưu, đôi vợ chồng đóng góp nhiều công sức cho những cánh đồng muối từ Bắc vào Nam chọn Ninh Thuận - vùng ven biển nhiều nắng và gió, hai điều kiện cần thiết để hạt muối kết tinh, làm nơi an dưỡng tuổi già cùng con cháu. Năm nay, đã bước sang tuổi 86, với 58 tuổi Đảng, Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Tự đáy lòng mình, chúng tôi luôn chan chứa một niềm tự hào lớn lao, mãnh liệt về lịch sử hào hùng của dân tộc ta, về các thế hệ cha anh, trong đó có bà-những con người hết sức bình dị, nhưng có một nghị lực phi thường, lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại. Đây là niềm tự hào, động lực, tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.