Thế giới trong tuần

1. Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người di cư lớn nhất trong vòng 70 năm qua cả trên biển và đất liền.

Hai chiếc thuyền chở gần 500 người di cư bị lật ngoài khơi Libya, một nửa trong số đó có thể đã chết; một xe tải chở người tị nạn chết ngạt vừa được phát hiện ở biên giới giữa Áo và Hungary; cửa khẩu các nước tiếp giáp với EU, mỗi ngày càng nêm chặt bởi dòng người tị nạn; hình ảnh dòng người di cư chen chúc, xô lấn tìm cách trèo lên chuyến tàu cuối ngày từ Hungary sang Đức đã khắc họa một bức tranh sinh động về cuộc khủng hoảng di cư được xem là nghiêm trọng nhất tại châu Âu từ sau Thế chiến thứ II.

 
Di tích cố Palmyra ở Syria.

Cuộc khủng hoảng đang đòi hỏi các nước châu Âu phải đoàn kết và thống nhất để vượt qua nhưng thực tế cho thấy, những mâu thuẫn xuất hiện bên trong châu Âu. Điển hình là Hungary, quốc gia này không ủng hộ chính sách phân bổ hạn ngạch người nhập cư bởi theo họ chính sách này sẽ chỉ khuyến khích làn sóng di cư gia tăng. Trong khi đó, Đức và Pháp lại cho rằng việc ngăn chặn người di cư là đi ngược với các giá trị Liên minh châu Âu theo đuổi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, cả EU và các quốc gia thành viên phải chia sẻ trách nhiệm về người tị nạn. Nếu châu Âu giải quyết được vấn đề người tị nạn, nếu mối liên hệ chặt chẽ với quyền con người bị phá vỡ, thì đó sẽ không còn là một châu Âu mà người ta tưởng tượng. Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia EU dự kiến sẽ có một cuộc họp khẩn vào ngày 14-9 tại Brussels, Bỉ nhằm tìm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng nhập cư.

2. Trước các hành động phá hủy nhiều di tích văn hóa do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành trong thời gian gần đây, UNESCO đã kêu gọi một chiến dịch chống lại sự “thanh lọc văn hóa” của nhóm cực đoan này. Một mặt trận khác đã được mở ra, ở đó không có tiếng súng, đó là một cuộc chạy đua với thời gian và không gian nhằm cứu lấy những giá trị văn hóa của nhân loại dưới sự tàn phá của chủ nghĩa cực đoan.

Tại một địa điểm bí mật ở thủ đô Damascus, các tình nguyện viên Syria đang tập trung làm việc. Khác với những người lính, trang thiết bị của họ là chiếc máy ảnh, vi tính và sổ sách. Còn thứ họ bảo vệ là những di cổ vật quý giá có hàng ngàn năm tuổi ở Syria. So với những người lính trên chiến trường, công việc hiện nay của những con người này không kém phần nguy hiểm. Để thành công, họ phải chạy đua với phiến quân IS.

Một trong những thành tựu mà những tình nguyện viên này thu được là việc thu hồi hơn 400 di vật cổ từ Palmyra, trước khi thành phố rơi vào tay IS vào tháng 5 vừa qua. Nhưng thành công cũng đi kèm với một cái giá đắt: 13 người thuộc Cơ quan quản lý bảo tàng và cổ vật quốc gia Syria đã bị sát hại khi làm nhiệm vụ của mình. Đây là cuộc chiến họ hy vọng sẽ giành chiến thắng.