Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 29-8

* Sự kiện

- Ngày 29-8-1952: Trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Sẵn tiền, sẵn lòng, tát biển Đông cũng cạn”, với bút danh ĐX, Bác nói lên tinh thần của Nhân dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và kết luận bằng 2 câu văn vần: “Nhân dân ta sẵn sức, sẵn của, sẵn lòng, Cán bộ tận tụy và trong sạch thì mười việc thành công cả mười”.

- Ngày 29-8-1958: Bác Hồ dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội. Tại cuộc họp Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tranh lối làm đại khái, lãng phí.Ngày nay, thực hiện lời dạy của Bác, Hà Nội đã xây dựng Thủ đô thực sự là thành trì chủ nghĩa xã hội, là trái tim yêu dấu của cả nước và bạn bè quốc tế, xứng đáng danh hiệu Thành phố vì hòa bình với truyền thống hơn 1.000 năm văn hiến.

- Ngày 29-8-1975: Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 2-9-1973, trên vị trí của tòa lễ đài cũ tại Quảng trường Ba Đình.Lăng cao 21,6 m gồm ba lớp. Lớp dưới là những bậc thềm. Lớp giữa, phần trung tâm của lăng, gồm phòng thi hài, những hành lang và cầu thang lên xuống. Lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Quanh bốn mặt lăng là những hàng cột vuông ốp đá hoa cương. Mặt chính có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc, màu mận chín... Nhìn tổng thể, lăng có hình bông hoa sen cách điệu. Có thể nói, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân và khách quốc tế, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ và nguyện đi theo con đường, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.

- Ngày 29-8-2002: tại Hà Nội, Viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật 2 bé song sinh 7 tháng tuổi dính bụng, chung gan, dính ruột non dài 55cm, dính màng tim, dính màng phổi, xương ức cơ hoành và túi mật. Đây là ca phẫu thuật dính song sinh đầu tiên khó nhất thực hiện ở Viện Nhi Trung ương (thời điểm hiện tại).

- Ngày 29-8-2012: Khởi công xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau). Cầu Năm Căn là một trong những công trình trọng điểm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh. Dự án nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, điểm đầu thuộc xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, điểm cuối thuộc xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển. Tổng chiều dài dự án là 13.390m, chiều dài cầu là 890m, đường dẫn 2 đầu cầu là 2.500m. Cầu được xây dựng quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt ngang rộng 12m, tĩnh không thông thuyền 10m… Tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Ngày 7-2-2015, cầu Năm Căn được khánh thành, chính thức xóa bỏ sự cách trở đi lại giữa huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Đồng thời là một điểm nhấn đưa đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ đầu tiên về đến trung tâm huyện Ngọc Hiển, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ thông xe đến Đất Mũi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.

* Nhân vật

- Ngày 29-8-1988: Ngày mất nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. Cách đây 27 năm, giữa lúc tài năng đang vào độ chín, nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh qua đời trong một tai nạn giao thông.Sự ra đi của hai người là một khoảng trống lớn không dễ gì thay thế đối với nền nghệ thuật sân khấu cũng như thi đàn Việt Nam. Lưu Quang Vũ là tác giả của gần 50 vở kịch, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”... Nếu như kịch của ông mang đậm hơi thở thời đại thì thơ của ông không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, khát khao. Còn Xuân Quỳnh đã xuất bản được 10 tập thơ, những thi phẩm của bà giàu cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của nữ thi sĩ. Nhiều bài thơ của bà đã trở nên nổi tiếng như “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Hoa cỏ may”, “Tự hát”…

Theo TTXVN