Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai 2019

Việt Nam nỗ lực giảm nhẹ rủi ro do thiên tai

Là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thiên tai, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để phòng tránh và giảm thiểu tác động của rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, con số về thiệt hại vẫn còn rất lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong vấn đề này.

Thiên tai ngày càng diễn ra khốc liệt

Thế giới hiện đang đối mặt với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, trong đó thiên tai đang là hiểm họa đối với hầu hết các quốc gia và đang gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, gây ra tổn thất ngày càng lớn về người và tài sản, hủy hoại môi trường sinh thái, ảnh hưởng lớn đến những thành quả phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia.

Theo số liệu của Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR), trong giai đoạn 1998-2017, thiệt hại kinh tế từ những thảm họa liên quan đến khí hậu đã chạm mức 2.250 tỷ USD, tăng hơn 250% so với giai đoạn 20 năm trước đó. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam... là các quốc gia chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất do thiên tai.

Là một quốc gia nằm ở rốn bão của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nhiều loại thiên tai hàng năm.

Đáng lo ngại, trong những năm gần đây tại Việt Nam, thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới không theo quy luật; hạn hán, xâm nhập mặn sâu, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều loại hình thiên tai khác như nắng nóng, dông lốc, mưa đá đã xảy ra tại nhiều nơi trên phạm vi cả nước; tình trạng cạn kiệt nguồn nước các dòng sông gia tăng…

Thiên tai đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai, giai đoạn 2011-2015, tổng số người chết và mất tích do thiên tai là trên 1.100 người; thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỷ đồng.

Tính riêng trong năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với trên 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 9 đợt gió mạnh trên biển; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại về kinh tế, ước tính 20 nghìn tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.

Thiên tai gây thiệt hại bờ kè biển Phú Thọ, phường Đông Hải
(Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) vào ngày 19-12-2018. Ảnh: Văn Nỷ

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số Việt Nam phải chịu nguy cơ bão lũ. Ước tính mỗi năm Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên đến trên 30 nghìn tỷ đồng do lũ, bão và động đất. Dự báo, trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40% nguy cơ bị tàn phá do thảm họa thiên tai gây ra, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141 nghìn tỷ đồng do lũ, bão hoặc động đất.

Nỗ lực thiểu thiệt hại

Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để phòng tránh và giảm nhẹ tác động của rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được ban hành, như: Nghị định số 08/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quyết định số 1002/QĐ-TTg về “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”; Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng… Đặc biệt, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai làm cơ sở để các bộ ngành và địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, hàng loạt các giải pháp cũng đã được triển khai như: Lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm tại một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động để cảnh báo cho người dân về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất; xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm...; hằng năm, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai tới tận cấp huyện, cấp xã; ban hành các tài liệu hướng dẫn tổ chức hộ gia đình phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai...

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cũng được triển khai kịp thời. Giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ trên 7.000 tỷ đồng và trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại, giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Tuy vậy, tổn thất về người và của hàng năm do thiên tai gây ra còn rất lớn; công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai chủ yếu là ứng phó trong khi công tác phòng ngừa còn chưa được quan tâm đúng mức… trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường có xu hướng gia tăng.

Do đó, công tác phòng, chống thiên tai cần phải được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa. Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, thời gian tới, tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, như: Khẩn trương rà soát, di dời dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn; Phổ biến sâu rộng tới tất cả người dân và các cấp chính quyền vùng có nguy cơ cao các kiến thức, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai khi xảy ra tại địa phương.

Nâng cao năng lực dự báo mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và truyền tin tới người dân và chính quyền địa phương (thôn, bản) bằng cả hệ thống dự báo quốc gia, khu vực và dự báo tại chỗ; huy động các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế.

Đặc biệt, cần xây dựng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, tập trung vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; xây dựng thí điểm lắp đặt cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ cao; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, nhất là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất…

Theo TTXVN