(NTO) Ít ai ngờ giữa Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đô hội có một xóm dân cư chuyên làm lò đất thuộc khu phố 4, phường Bảo An. Xóm lò có bảy gia đình gắn bó với nghề làm lò suốt 35 năm qua. Những người thợ thủ công xóm lò cung cấp cho thị trường mỗi năm hàng ngàn sản phẩm tiêu thụ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Lò đất Bảo An chắc bền, ít hao than, giữ nhiệt tốt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đến xóm lò vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ- 2013, chúng tôi gặp những người thợ đang cho ra lò những sản phẩm đỏ au màu đất nung. Nghề làm lò trải qua các cung đoạn: Ủ đất, đắp lò, tạo dáng, phơi khô, nhuộm màu, nung chín. Chất liệu làm lò là loại đất sét mịn qua bàn tay khéo léo của người thợ cho ra sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. Lò đất Bảo An có đường kính 25 cm, cao 20 cm, nặng khoảng 1,5 kg. Người thợ lành nghề mỗi ngày có thể hoàn thành 20 cái lò. Lò sống được đưa vào khu vực lò nung chung quanh trét vách đất chắn gió. Lò nung trấu một ngày đêm cho ra sản phẩm hoàn thiện. Với giá bán tại cơ sở sản xuất 10 ngàn đồng/cái, người thợ làm lò có thu nhập trung bình 200 ngàn đồng/ngày.
Anh Nguyễn Sinh thực hiện cung đoạn đắp lò
Hai anh em ruột Nguyễn Sinh và Nguyễn Nuôi tạo dáng lò đất
Lò đất Bảo An chuẩn bị đưa ra thị trường trong dịp tết Quý Tỵ
Trao đổi với anh Nguyễn Sinh, 42 tuổi có bề dày gần ba chục năm làm lò đất, chúng tôi được biết hiện nay ở phường Bảo An bảy hộ chuyên làm lò đều là “môn sinh” của ông Bốn Liễu. Năm 1977, ông Bốn Liễu từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) vô Phan Rang lập nghiệp mang theo nghề làm lò truyền dạy cho bà con trong xóm. “Từ năm 12 tuổi, tôi và hai người anh ruột theo ông Bốn Liễu học làm lò. Nghề làm lò đất tuy không giàu nhưng cần mẫn sẽ bảo đảm được cuộc sống gia đình no ấm. Nguồn thu nhập ổn định từ nghề lò giúp bà con xây được nhà ở khang trang, nuôi con học hành chu đáo”, anh Nguyễn Sinh cho biết.
Sơn Ngọc