(NTO) Trở lại Phước Tân vào buổi trưa cuối năm, sau những lời hướng dẫn ân cần của người dân nơi đây, tôi đã tìm gặp được bà Ka-tơ Thị Sính- người được cư dân địa phương gọi bằng tên thân mật "Bà Sính sử thi" tại thôn Ma Ty.
Khi biết tôi muốn tìm hiểu về Sử thi của người Raglai, gương mặt của bà như bừng sáng lạ thường. Bà bắt đầu câu chuyện bằng một chất giọng trầm lắng: Ngày xưa bà học được sử thi qua người mẹ của mình, bắt đầu từ 7-8 tuổi là đã học đến lúc bà có hai đứa con rồi mới thuộc hết (gần 20 bài ngắn, dài), nội dung chủ yếu là kể về truyền thống đánh giặc, giữ làng, chinh phục thiên nhiên và khát vọng tình yêu đôi lứa – chừng ấy thôi cũng cho ta thấy một kho tàng sử thi của đồng bào Raglai vô cùng phong phú, đa dạng.
Bà Ka-tơ Thị Sính - người giữ hồn cho sử thi Raglai.
Mặc dù không hiểu lắm về ngôn ngữ, câu từ trong sử thi nhưng khi bà cất lên giọng hát, tôi cảm nhận được sự trong trẻo, âm thanh thánh thót, lúc trầm, lúc bổng như tiếng chim, tiếng suối chảy róc rách giữa đại ngàn xanh thẳm, có lúc thì ngọt ngào, da diết... Tất cả những điều đó đã hun đúc nên con người phụ nữ Raglai chịu khó, lạc quan, yêu đời, biết vượt qua số phận.
Khi được hỏi về việc truyền dạy, lưu giữ, giọng của bà như trầm lại “Năm nay mình đã ngoài 60 tuổi rồi, bọn trẻ bây giờ nó thích nhạc trẻ, ít người còn biết đến sử thi nữa, cứ ai thích thì mình dạy thôi chứ cũng không cần tiền bạc gì cả…”; câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quảng bởi những câu hát của mấy đứa cháu- bà bảo đấy là mấy đứa cháu nhỏ trong nhà mà bà đang truyền dạy sử thi, chỉ có vào ban đêm, bên bếp lửa bập bùng của căn nhà sàn thì hát sử thi mới hay, dễ thuộc. Theo anh Nguyễn Văn Bền, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, hiện nay trên địa bàn huyện còn không nhiều những người thuộc sử thi như bà Sính. Được biết bên cạnh những tâm huyết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, huyện Bác Ái cũng đang xây dựng kế hoạch để sưu tầm, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Có thể khẳng định, trên lĩnh vực hát sử thi của đồng bào Raglai huyện Bác Ái thì bà Ka-tơ Thị Sính là linh hồn và là một “kho tàng sống” cần được sớm khai thác, phát huy và bảo tồn, mãi mãi góp phần vào sự đa dạng phong phú của kho tàng sử thi Việt Nam.
Nguyễn Văn Cảnh