(NTO) Chiều về, tôi ngẩn ngơ nhìn những nữ sinh Chăm thướt tha trong những bộ áo dài trắng tinh. Nụ cười hồn nhiên của các em làm sáng rực cả con đường làng quê tôi. Tôi yêu áo dài từ dạo ấy, từ những ngày cắp sách đến trường. Đã qua rồi những tháng ngày tinh nghịch cùng với áo dài, thế nhưng cảm giác trong tôi vẫn rất rộn ràng mỗi khi nhớ về thuở ấy.
Rong rủi trên con đường đến trường, 3 năm là nữ sinh trung học, áo dài Chăm mang lại cho tôi những kỷ niệm không quên. Trong lớp học, chắc rằng chỉ mỗi mình tôi mặc chiếc áo dài khác “người ấy”. Khoác lên mình bộ áo dài, dáng người thiếu nữ trở nên thẳng, cao và trưởng thành hơn, tôi cũng vậy. Các bạn trong lớp đều gọi tôi với nickname rất dễ thương “ Cô gái dịu dàng”.
Những nữ sinh Chăm thướt tha trong những bộ áo dài.
Nét khác là áo dài của người Chăm không có tà, mặc kết hợp với váy, tạo cho người phụ nữ dáng đi nhẹ nhàng, trang phục sẽ đẹp hơn nếu kết hợp với những chiếc khăn cùng màu. Chiếc váy bên trong được may bằng chất liệu bóng và mềm mại tạo thành những đợt sóng vừa thướt tha vừa uyển chuyển mỗi bước đi.
Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, trang phục truyền thống riêng, mang đậm nét đẹp văn hóa của họ; dân tộc Chăm cũng vậy. Là thiếu nữ Chăm, ai cũng đã từng khoác lên mình áo dài của đồng bào Chăm. Áo dài, tiếng Chăm thường gọi là Aw kamei Cam, đã có từ xa xưa. Chất liệu để may áo dài cũng rất phong phú và đa dạng như chất liệu voan, ren, nhung,.
Áo dài thường “lên ngôi” vào những dịp lễ hội Katê, Ramưwan, lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm và các nghi lễ quan trọng của đồng bào Chăm. Tùy vào hoàn cảnh mà màu áo cũng phải phù hợp, như vào những dịp ra mắt, đám cưới... các thiếu nữ tha hồ, thoải mái diện những bộ cánh đẹp nhất. Tham dự những lễ hội lớn, những đám cưới linh đình, những bộ áo sặc sỡ, chất liệu voan, ren, nhung, gấm nhẹ nhàng, mềm mại là sự lựa chọn hàng đầu của chị em.Với những khung cảnh thánh đường, cần sự trang nghiêm, màu trắng là sự lựa chọn duy nhất. Riêng đối với các cụ lớn tuổi, áo dài là trang phục thường ngày của họ.
Ngày nay, người Chăm biết cách tân cho áo dài thành những phong cách khác nhau, điệu đà, hiện đại hơn nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc. Cách mặc áo dài cũng nói lên đức tính của người phụ nữ Chăm trong đời sống, về vai trò và vị trí của họ. Khi mặc áo dài, người mặc sẽ đưa hai tay lên cao rồi từ từ chui đầu vào, chứ không mặc gài nút. Áo dài sẽ đẹp hơn nếu như có 2 “dây thắt lưng” có thêu hoa văn, gọi là “Taley kabak” đan chéo vào nhau, làm tôn lên những đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Khoác lên chiếc áo dài truyền thống dân tộc như vừa kín đáo nhưng đủ để làm cho thiếu nữ Chăm toát lên một nét đẹp huyền bí, thùy mị.
Có lẽ độc giả đã làm quen với hình ảnh những thiếu nữ Chăm mặc áo dài e ấp sau vành khăn xuất hiện nhiều lần trong những nhạc phẩm của Nhạc sĩ Amưnhân. Là một đứa con của đồng bào Chăm, tôi thật sự tự hào về tiếng trống Ghi năng, kèn Saranai, trống Paranưng, cùng với áo dài, hình ảnh không nhầm lẫn vào đâu khi nhắc đến dân tộc Chăm. Tất cả trở thành một “tổ hợp” không bao giờ thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, các dịp lễ hội của người Chăm.
Minh Khai