Nâng tầm thương hiệu Nho - Táo - Tỏi

(NTO) Ninh Thuận nắng gió khắc nghiệt, nhưng thật lạ, hễ cây gì, con gì sống và tồn tại được trên vùng đất bán khô hạn này lại cho ra sản phẩm ngon ngọt hơn nhiều so với vùng đất màu mỡ khác. Nho, táo, tỏi là điển hình trong số đó…

Ngọt lành đặc sản quê hương

Du khách phương xa mỗi lần đến với Ninh Thuận chắc chắn không thể bỏ qua những vườn nho chín mọng trĩu quả hay ghé thăm hàng nho tươi mua một ít về làm quà cho người thân- một đặc sản nức tiếng thơm ngon, niềm kiêu hãnh của người dân Ninh Thuận. Chính khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm của vùng đất này là điều kiện để cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra những trái nho ngọt ngào, thơm mát mà không có bất cứ vùng đất nào trong cả nước có được. Không chỉ là nơi cung cấp nho tươi với sản lượng lớn nhất cả nước, trung bình khoảng 15.000 tấn/năm, từ trái nho, nhiều năm qua, người dân trong tỉnh còn chế biến ra nhiều sản phẩm như nho sấy, mứt nho, rượu vang nho, mật nho… đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng.

 
Nông dân Ninh Hải chăm sóc cây nho. Ảnh: Thanh Long

Những năm gần đây, phong trào trồng táo phát triển rầm rộ, cùng với sự nổi trội về số lượng cung ứng, chất lượng sản phẩm, trái táo xanh Ninh Thuận cũng đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Mỗi năm trung bình Ninh Thuận cung ứng khoảng 19.000 tấn táo xanh cho thị trường khắp cả nước. Do có giá trị kinh tế cao, cây táo cũng được trồng ở các tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Phước, tuy nhiên theo các thương lái thu mua táo thì trái táo xanh Ninh Thuận được người tiêu dùng chuộng hơn do có độ bóng, đẹp, có vị ngọt thanh, giòn, thơm hơn so với các vùng khác.

Cùng với nho, táo, tỏi Phan Rang cũng được xem là đặc sản có tiếng. Tháng Chạp, trên các đoạn đường từ thành phố Phan Rang- Tháp Chàm nối với các vùng chuyên canh tỏi như xã Thanh Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải) hay thôn Văn Sơn, phường Văn Hải (Phan Rang- Tháp Chàm) tấp nập xe lớn nhỏ của thương lái ngược xuôi đến thu mua, đưa tỏi tiêu thụ thị trường tết trong và ngoài tỉnh. Giữa cánh đồng trồng tỏi rộng mênh mông còn đang thu hoạch dỡ, chị Nguyễn Thị Được, khu phố 4, phường Văn Hải vừa giơ cao chùm tỏi trắng, nói lớn như khoe: “Chị thấy năm nay tỏi đẹp không này! Năm nay "mưa thuận, gió hòa", tỏi được mùa lại được giá, chất lượng tốt nên bà con ai cũng phấn khởi”. Theo tìm hiểu, mùa tỏi tết năm nay năng suất đạt cao hơn so với các năm trước, trung bình khoảng 14 tấn/ha. Ngoài ra, do năm trước lượng tỏi trữ của bà con không còn nhiều, cung không đủ cầu nên giá tỏi tăng cao, với giá bán tại vườn khoảng 50.000-80.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, bà con thu lời phải đến 30-40 triệu đồng/ha”. Khác với tỏi các vùng khác, củ tỏi Phan Rang nhỏ, tép chỉ bằng cỡ hạt bưởi, nhưng khi ăn vào lại có vị cay nồng nhẹ, thơm dễ chịu, khi giã nhuyển không bị nhớt, và đặc biệt là hàm lượng tinh dầu cao, được cho là có khả năng trị được nhiều bệnh nên rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Một loại tỏi được coi là đặc sản hiếm của Ninh Thuận đó là tỏi “mồ côi”. Sở dĩ có tên gọi này là vì tỏi chỉ có duy nhất một tép, tròn, to cỡ viên bi. Theo nhiều người thì tỏi "mồ côi" không chỉ lạ, đẹp mà hàm lượng tinh dầu rất cao nên rất quý, nhiều lúc du khách đến tìm mua cũng chưa chắc đã có. Chính vì vậy mà giá cao hơn rất nhiều so với tỏi thường, có lúc lên đến 400- 500 ngàn đồng/kg.

 
Đặc sản tỏi Phan Rang. Ảnh: Văn Miên

Nâng tầm thương hiệu nho, táo, tỏi

Để xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận, đầu năm 2012, UBND tỉnh đã tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho. Đây chính là cơ sở để bảo vệ, nâng tầm thương hiệu nho Ninh Thuận ngày càng vang xa đến với người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Không ít hộ dân nhờ cây nho vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do sâu bệnh, đất đai thoái hóa, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi… nhiều diện tích nho không cho năng suất cao. Do thua lỗ, nhiều nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Diện tích cây nho ngày càng bị thu hẹp. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có tổng diện tích 721 ha nho, giảm 20% so với năm 2011.

Do giảm diện tích, sản lượng nho không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nên giá của trái nho trong thời gian qua tăng lên. Xét thấy giá trị kinh tế cây nho mang lại, tỉnh và các ngành chức năng đang khuyến khích nông dân khôi phục lại cây nho, vận động thực hiện tốt khâu canh tác, áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích cây nho toàn tỉnh sẽ tăng lên 2.000 ha, với tổng sản lượng xấp xỉ 39.000 tấn, năng suất bình quân đạt 240 tấn/ha; đến năm 2020, tiếp tục tăng diện tích lên 2.500 ha, với sản lượng trên 55.100 tấn, năng suất đạt trên 270 tấn/ha. Để giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngành chức năng sẽ tập trung nghiên cứu tạo ra những giống nho mới chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh thay thế những giống hiện nay, đồng thời phát triển các giống nho để chế biến rượu. Phấn đấu đến năm 2015 có 10% và năm 2020 có 20% diện tích trồng nho rượu. Bên cạnh đó tăng cường đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu nho Ninh Thuận... gắn với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến rượu vang nho, nho khô, sơ chế, bảo quản nho tươi đáp ứng nhu cầu thị trường…

 
Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) thu hoạch táo. Ảnh: Văn Thanh

Riêng đối với cây tỏi và táo, mặc dù được xem là đặc sản có tiếng của địa phương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xây dựng thương hiệu chính thức, vì vậy khi đưa ra thị trường bị trà trộn với các sản phẩm cùng loại các địa phương khác, làm giảm đi giá trị thật của tỏi và táo Ninh Thuận. Trước tình hình đó, vừa qua Hội Nông dân tỉnh và Sở KH-CN phối hợp với Công ty Sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến (Invenco) thiết lập Đề án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể táo và tỏi Ninh Thuận”, mục đích của đề án chính là nhằm khẳng định chất lượng của táo và tỏi Ninh Thuận, tạo điều kiện để sản phẩm ngày càng đi vào tâm thức của người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, nông dân trồng táo, tỏi thông qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm.

Công tác quy hoạch các vùng chuyên canh trồng táo, tỏi cũng được các ngành chức năng quan tâm. Hiện nay tổng diện tích tỏi toàn tỉnh chỉ chiếm 200 ha. Theo đánh giá thì với năng suất như hiện nay vẫn còn thấp so với tiềm năng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, vừa qua Dự án Cạnh tranh nông nghiệp đã đầu tư trên 1,7 tỷ đồng nhân rộng mô hình “Sản xuất tỏi theo hướng an toàn”, trên diện tích 50 ha chuyên canh trồng tỏi tại 2 địa phương thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và Ninh Hải. Đối với cây táo, dự kiến đến năm 2015 sẽ quy hoạch tăng diện tích lên 1.000 ha, với tổng sản lượng 22.632 tấn, năng suất đạt 282,9 tấn/ha, đến năm 2020, sẽ ổn định với diện tích trên nhưng nâng cao năng suất lên 313 tấn/ha, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn.

Xây dựng và giữ vững thương hiệu luôn đi cùng với chất lượng sản phẩm. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền đại phương, các ngành chức năng trong việc quảng bá sản phẩm, quy hoạch cây trồng, kỹ thuật sản xuất cho đến tìm "đầu ra" cho sản phẩm, thì chính người nông dân phải mạnh dạn đón đầu công nghệ, áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào quy trình chăm sóc cây trồng, ý thức sản xuất ra những sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, có tính cạnh tranh cao, nâng cao năng suất, tạo tiền đề cho thương hiệu nho, táo, tỏi Ninh Thuận ngày càng bay xa.