(NTO) Nghĩ cũng lạ! Phan Rang không phải là xứ trồng cà phê, nhưng người Phan Rang có thể tự chế biến ra những thương hiệu cà phê cho riêng mình. Quán cà phê Phan Rang cũng rất nhiều, đa phần rất rộng và đẹp. Tôi đã từng giới thiệu với nhiều người bạn về cà phê và quán cà phê Phan Rang.
Chưa bao giờ Phan Rang lại “nở rộ” nhiều quán cà phê, được nhiều người quan tâm và biết nhiều đến thế. Dạo trên những con đường lớn như 16 Tháng 4, Ngô Gia Tự hay 21 Tháng 8…cho đến những con đường nội phường, ngõ hẻm bê tông hóa, đủ loại quán cà phê từ sang trọng cho đến bình dân “không tên”. Để thu hút khách, các chủ quán cà phê đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, có quán lên đến cả tỷ đồng vào trang trí nội thất; chủ quán còn thuê cả đội ngũ kiến trúc thiết kế riêng những nét độc đáo, mang bản sắc riêng để mọi người khi nghĩ đến quán cà phê là nghĩ ngay đến quán của mình. Theo anh Trí, chủ quán cà phê Feeling cho biết: “Trừ quán cà phê cóc, hiện nay, quán cà phê Phan Rang được đầu tư xây dựng theo nhiều mô típ khác nhau. Trong đó, chủ đạo là mô típ sân vườn, hiện đại, đến kết hợp giữa cổ xưa với hiện đại, tạo ra nhiều phong cách đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng thưởng thức cà phê”.
Khách hàng thưởng thức hương vị cà phê Phan Rang. Ảnh: Sơn Ngọc
Với sân vườn, khách vừa nhâm nhi cà phê… được ngồi mát dưới các loại cây lớn, rợp bóng như si, bồ đề, cau, xoài,…vừa ngắm các loài hoa đủ màu sắc treo trên giàn, những bức tượng thiếu nữ Chăm bằng đất nung, những bức tranh sơn mài, hòn non bộ, từng đàn cá bơi lội trong hồ nước trong vắt… hòa lẫn trong giai điệu mượt mà, say đắm, ấm áp của những tình khúc nổi tiếng một thời, khiến cho con người như chan hòa với thiên nhiên, lòng thư thái, nhẹ nhàng. Điển hình như: Quán Việt, Dư âm, Hương Cau, Suối Nguồn, Sân Vườn, 279… Khách của những quán này thường là lứa tuổi trung niên trở lên...
Còn quán cà phê theo phong cách hiện đại, quán chủ yếu nhà hộp, xây dựng vững chắc. Khách vào thưởng thức cà phê, các loại nước ép trái cây, sinh tố, kem… trong phòng máy lạnh, vừa nghe nhạc, vừa tán gẫu, nếu chán thì chuyển sang xem truyền hình cáp; một số quán có báo, tạp chí, hệ thống Wi-fi, internet truy cập miễn phí,… Ngoài những thức uống, trong thực đơn còn có những món điểm tâm, ăn trưa,… đi đầu là những quán cà phê như: Cỏ Hồng, Win 2, Napoli, Feeling;…khách hàng thường xuyên là giới trẻ, một bộ phận CBVC xa nhà, tầng lớp kinh doanh,… sau giờ làm việc, buổi trưa họ ở lại và chọn cách ghé lại quán, vừa ăn, vừa uống cà phê nghe nhạc, nghỉ ngơi đến giờ chiều đi làm. Anh Hùng, Giám đốc một công ty TNHH về lĩnh vực phân phối mỹ phẩm, khách hàng thường xuyên có mặt tại các quán Feeling… thì lý do “đóng đô” rất đơn giản và hiện đại: “Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì sao phải tự “giam lỏng” mình trong văn phòng? Những khách hàng thân quen với công ty thì mình bàn công việc tại các quán cà phê, vì ở đấy có không gian thoải mái, làm cho tâm lý của mình hay khách hàng trở nên dễ chịu và tất nhiên công việc được giải quyết trôi chảy, hiệu quả hơn”.
Đối với trào lưu cổ xưa pha lẫn hiện đại, ngoài sự kết hợp của sân vườn với hiện đại, những quán này thường đi kèm theo những phòng trà sang trọng. Khách vào quán, có thể lựa cho mình một chỗ ngồi ưng ý, phù hợp với sở thích của mình. Riêng đối với những phòng trà, chủ quán thường bố trí các ban nhạc sống, với những ca sĩ bán chuyên nghiệp. Khách vào đây, ngoài thưởng thức các đồ uống, được nghe các ca sĩ trình bày những tình khúc; những nhạc phẩm hòa tấu lãng mạn đưa người nghe tìm lại hồi ức của một thời đã qua; còn có quyền yêu cầu các ca sĩ hát tặng những bài hát mình ưa thích hoặc cũng có thể tự mình làm ca sĩ. Điển hình như các quán Omêly, Tiếng Xưa, Giai Điệu 2,… mô típ này đang thu hút đông đảo nhiều đối tượng, mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau.
Đến cà phê quán cóc
Đối lập với quán cà phê sang trọng là cà phê bình dân-hay gọi là cà phê cóc. Đây là một hình thức uống đơn giản, bình dân và rất tiện lợi, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thành phần, không tốn thời gian. Cách pha chế cũng đơn giản: người ta cho cà phê vào túi lọc, bỏ vào ấm đun sôi để sẵn, khi có khách pha luôn vào ly, rất “tốc hành”. Nơi ngồi uống cũng không đòi hỏi cầu kỳ, chỉ cần một khoảng trống của vỉa hè, con hẻm, dưới tán cây, một căn phòng nhỏ… kê vài bộ bàn ghế đơn sơ là thành một quán cà phê cóc. Chỉ cần 6.000đ trở lên, bạn đã có một ly cà phê nóng hoặc đen đá với 2 điếu thuốc (nếu người hút thuốc lá) đủ thưởng thức, pha chuyện cùng bạn bè.
Một khách lớn tuổi thường “đóng đô” ở quán cà phê cóc trong Trung tâm Văn hóa tỉnh: “cái thú của uống cà phê cóc có lẽ là ở khía cạnh thoả mãn nhu cầu về thông tin, thoả mãn tính tò mò của con người. Vì ở đây, mọi người được tha hồ giãi bày chính kiến của cá nhân về một sự việc nào đó và cung cấp lượng thông tin mà mình biết cho mọi người cùng nghe”. Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chuyện quốc tế, chuyện gia đình, chuyện xã hội… Ở đây, mọi người vô tư bàn tán với nhau, không cần phân biệt người quen hay người lạ, miễn là đề tài đang bàn luận phù hợp với mình thì tham gia, người nghe cũng sẵn lòng chấp nhận. Cách trao đổi “thông tin” ở đây là một nét độc đáo riêng có của cà phê cóc.
Cà phê luôn có mùi thơm, vị đắng của nó. Trong bài viết này, chúng tôi không muốn đề cập đến “vị đắng” của cà phê. Bởi thực tế trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh doanh luôn phải cạnh tranh, không ít chủ quán cà phê đã biến tấu bằng nhiều loại hình kinh doanh bất chấp vi phạm pháp luật như kinh doanh cà phê ôm, đèn mờ,… cho đến lấn chiếm hành lang, vỉa hè đường phố…và không ít người “bỏ phí” thì giờ vàng ngọc để rồi mải miết với cà phê quán. Bỏ qua những “vị đắng” đó, nhìn một cách nhân văn, phải nói rằng quán cà phê là một nơi giao lưu, gặp gỡ, nơi thư giãn lịch sự, văn hóa. Trên hết nó đáp ứng được một phần nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp trong xã hội.
Xuân Bính