(NTO) Đến Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn vào những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, ánh nắng vàng xuyên qua những kẽ lá. Dạo bộ dưới những vườn trái cây xanh tốt, không khí trong lành khiến cho bất kỳ ai cũng muốn dừng chân ghé thăm...
Vườn trái cây của ông Trần Văn Toàn, ở thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn những ngày giáp Tết rộn ràng hẳn lên vì có thêm những vị khách ghé thăm. Khách từ TP. Hồ Chí Minh ra tham quan muốn tận mắt chứng kiến vườn cây trái xanh tốt diệu kỳ của xứ nắng. Những “bạn hàng” quen từ Phan Rang lên đặt mối trái cây phục vụ bán Tết… và cả những vị khách đặc biệt là những phóng viên đi tìm không khí Tết như chúng tôi… Trái vụ nên những vườn trái cây ở Lâm Sơn không còn trĩu quả. Chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… đã qua mùa thu hoạch. Chỉ có bưởi, mít, dừa... là đang chuẩn bị đón Tết mà cũng không phải vườn nhà nào cũng có. “Năm nay thời tiết không thuận lợi nên để có trái cây đón Tết, tôi phải chăm chút rất nhiều”- ông chủ vườn đã ở tuổi 73 nâng những chùm bưởi Năm Roi trĩu cành khoe với khách với giọng hóm hỉnh, ân cần như đang nói về chính những đứa con của mình.
Vườn trái cây của gia đình ông Trần Văn Toàn ở thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn
Vườn ông Toàn không rộng lắm nhưng đủ loại cây ăn trái, nào là xoài, chôm chôm, sầu riêng, ổi, dừa, bưởi… gần đây, gia đình ông trồng thêm 40 gốc giống mít ruột đỏ và ruột vàng. Những gốc mít ruột vàng lứa đầu tiên đã cho quả. Những cây nhỏ hơn, mới trồng được 2-3 năm cũng đã bắt đầu bói quả. Ấn tượng nhất là 5 cây bưởi Năm Roi trong vườn đang trĩu cành chờ thu hoạch để mang không khí Tết đến cho mỗi gia đình. Chỉ tay về hàng dừa xiêm thẳng tắp, ông Toàn hiện rõ niềm vui: “Hơn 50 gốc dừa xiêm, mỗi tháng cho thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt bình quân thu về được 5 triệu đồng. Đến Tết có lẽ giá còn cao hơn…”
Hay gia đình bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Tầm Ngân 2. Dựa vào nguồn nước kênh Tây, năm 2005 gia đình bà đầu tư vườn cây ăn trái có diện tích hơn 5ha, với hơn 1.000 cây ăn quả các loại, bao gồm măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi… Tuy mới nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của xã về cây giống, kỹ thuật cùng với tính chăm chỉ, chịu khó… nên vườn cây phát triển xanh tốt và cho quả sớm, đến nay đã cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng/năm. Những ngày giáp Tết, khu vườn bà Nguyễn Thị Bé cũng tấp nập khách đến thăm, đặt hàng bán để trong dịp Tết.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, chịu khó lao động, những người nông dân như gia đình ông Toàn, bà Bé đã thu được quả ngọt. Cuộc sống của họ dựa vào vườn cây ăn trái ổn định và vươn lên khấm khá.
Hơn 10 năm trước, mô hình vườn cây ăn trái bắt đầu được hình thành và nhanh chóng lan rộng ra toàn xã. Nếu như năm 2005, Lâm Sơn chỉ có khoảng 149 ha vườn, đến nay con số này đã tăng lên trên 1.000 ha, trong đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ vườn cây ăn trái. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho Lâm Sơn khí hậu, đất đai đặc biệt nên chất lượng trái cây ở đây thơm, ngon và có giá bán cao hơn trái cây cùng loại ở các nơi khác. Tuy nhiên, năng suất thất thường và "đầu ra" thiếu ổn định là những trở ngại không nhỏ trên con đường đưa cây ăn trái Lâm Sơn phát triển thành thương hiệu bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đồng chí Hara Bích, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Mong ước lớn nhất của nông dân Lâm Sơn hiện nay là có được một nhà máy sơ chế trái cây để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ và được đăng ký thương hiệu cho cây trái Lâm Sơn. Những năm gần đây, diện tích vườn cây ăn trái ngày càng được mở rộng, đặc biệt vùng đất Lâm Sơn rất phù hợp với giống mít ruột đỏ… Diện tích và năng suất tăng nhưng chừng nào sản phẩm chưa tiêu thụ ổn định thì dẫu đứng giữa vườn trái ngọt, người dân vẫn chưa hết nỗi lo”.
Một mùa xuân mới lại về, những vườn cây ăn trái ở Lâm Sơn lại khoác lên mình một màu xanh non mới. Những tán cây căng tràn nhựa sống đang vươn mình đón nắng, đón gió xuân. Chia tay những chủ vườn hiền lành, hiếu khách… xuân về, mong cho vườn cây trái Lâm Sơn một năm mới được mùa bội thu, nhiều quả ngọt !
Thành Nhân