Giếng cổ Thành Tín

(NTO) Về Thành Tín, chúng tôi ngỡ ngàng trước di tích giếng cổ với những nét văn hóa làng đặc sắc và sự tiện dụng trong việc xây dựng giếng nước của đồng bào Chăm. Có lẽ đây là hai giếng cổ duy nhất còn phát huy tốt tác dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở các làng Chăm tỉnh ta.

Ông Kiều Ngọc Sinh hàng ngày trông nom bảo vệ giếng cổ Thành Tín.

Giếng cổ nằm ở khu vực Xóm Cũ cách trung tâm thôn Thành Tín (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) khoảng một cây số về hướng Đông. Chung quanh giếng nước là vườn cây ăn trái tỏa bóng xanh biếc, khí hậu trong lành. Sư cả Kiều Bình, 85 tuổi trụ trì chùa Bà ni Thành Tín cho biết hai giếng cổ này được ông bà xưa xây dựng từ thuở “thiên tạo lập làng”. Hệ thống giếng gồm hai cái nằm song song cách nhau khoảng 20 mét. Giếng phía Đông gọi là giếng Cái (pingung Dố); giếng phía Tây gọi là giếng Đực (pingung Ngo). Tục làng quy định phụ nữ lấy nước, tắm gội ở giếng Cái; nam giới tắm giặt ở giếng Đực. Quy định này đối với giếng cổ đến nay vẫn được người dân địa phương tuân thủ nghiêm ngặt. Ông bà xưa lợi dụng mạch nước ngầm mát ngọt chảy quanh năm từ động cát ven làng (Khun palay Chóa Tí) để xây dựng hệ thống giếng hộc lắp ghép bằng gỗ (pingung hộc dâu). Giếng sâu khoảng 1,8 mét, mỗi bề rộng 2 mét, ghép gỗ kín ba mặt theo các hướng Tây- Nam- Đông cao hơn mặt đất khoảng 70 cm, mặt giếng phía Bắc chừa trống để tiện việc lấy nước. Khi nước giếng dâng đầy tự động chảy tràn ra miệng ở hướng Bắc cho nhân dân tắm giặt, phục vụ sản xuất.

Người dân khu vực Xóm Cũ thường xuyên đến tắm giặt tại giếng cổ.

Hệ thống giếng nước cổ Thành Tín được chia làm ba phần: Lòng giếng chứa nước sạch dùng để uống; phần nước từ giếng dâng đầy chảy ra có kê nhiều hòn đá tảng dùng để ngồi tắm giặt; phần nước cuối nguồn cho gia súc uống và tưới đồng ruộng rộng trên 100 ha gieo trồng mỗi năm hai vụ lúa có tục danh Dja Pingung. Từ năm 2005 trở về trước, trên bốn ngàn người dân Thành Tín sinh sống nhờ vào nguồn nước ngọt của hai giếng cổ. Từ năm 2005, sau khi có hệ thống nước tự chảy và nước máy lắp đặt đến từng gia đình, hai chiếc giếng cổ phục vụ nước uống cho gia súc và tưới bổ sung cánh đồng Dja Pingung. Những gia đình ở khu vực Xóm Cũ hiện nay vẫn thường xuyên đến tắm giặt tại giếng cổ.

“Năm nay tui đã 89 tuổi nhưng sức khỏe rất tốt nhờ sinh sống ở khu vực giếng cổ khí hậu trong lành, mát mẻ. Tui được Ban phong tục làng giao trông nom hai chiếc cổ phục vụ đời sống bà con. Tháng 11 năm 2005, thôn Thành Tín tôn tạo hai chiếc giếng cổ để giữ lại nét văn hóa của làng. Vào dịp tháng tư hàng năm, làng Thành Tín tổ chức lễ cúng giếng do Sư cả chủ trì để tưởng nhớ công ơn tổ tiên đem lại nguồn nước trong lành bảo đảm đời sống nhân dân no ấm”, ông Kiều Ngọc Sinh phấn khởi nói.