Vào năm Thành Thái thứ 13 (1901) đạo Ninh Thuận được thành lập. Trước đó địa bàn này là đạo Phan Rang (1697) rồi phủ Ninh Thuận (đặt vào năm Minh Mạng thứ 13- 1832, một trong hai phủ của tỉnh Bình Thuận) với hai huyện An Phước và Tuy Phong. Năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) lấy các tổng thượng du [miền núi] huyện An Phước đặt hai huyện Man [huyện người dân tộc thiểu số] và huyện Thổ [huyện người Chăm]. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) cắt huyện An Phước, bảy xã của huyện Tuy Phong (thuộc phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận) và hai tổng của huyện Hòa Đa (phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận) nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Đến năm Thành Thái thứ 13 (1901) tách phủ Ninh Thuận ra khỏi tỉnh Khánh Hòa để lập đạo Ninh Thuận.
Theo nội dung trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch của Hoàng Văn Lâu, nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây, năm 2012)[1] ở phần viết về Đạo Ninh Thuận (ở các trang 693 - 704), chúng tôi phác họa sơ đồ Đạo Ninh Thuận vào đầu thế kỷ XX (hình dưới).
Cũng theo tài liệu đã dẫn xin ghi ra đây một số thông tin về đạo Ninh Thuận xưa:
Các đơn vị hành chính trực thuộc: ở đạo Ninh Thuận triều đình nhà Nguyễn có đặt các chức Quản đạo và các chức Điền học, Bang biện, Kinh lịch, Hậu bổ (mỗi chức một người) để quản lý. Đạo Ninh Thuận lãnh ba huyện: huyện An Phước, huyện Thổ An Phước và huyện Man. Huyện An Phước [có sách ghi là An Phúc hoặc Yên Phước] có địa giới về phía đông giáp huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa; phía nam đến biển; phía tây bắc giáp huyện Thổ và huyện Man; phía tây nam giáp huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Tên gọi huyện An Phước có từ thời chúa Nguyễn (1697) thuộc phủ Bình Thuận, đến năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) đổi thuộc phủ Ninh Thuận. Vào năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) tách đất miền thượng du của huyện lập huyện Thổ và huyện Man. Năm Đồng Khánh thứ ba (1888) lấy bảy xã của tổng Phú Quí huyện Tuy Phong, phủ Hàm Thuận (gồm: Phú Quí, Thạch Đức, Lạc Nghiệp, Sơn Hải, Từ Sơn, Nho Lâm, Từ Thiện) cùng với hai tổng Tú Trà, Ninh Gia của huyện Hòa Đa (tỉnh Bình Thuận) cho thuộc vào huyện An Phước có 4 tổng, 64 xã thôn hộ. Huyện Thổ An Phước: địa giới huyện này xen lẫn với huyện An Phước, không phân bốn bề tiếp giáp. Huyện lập năm 1886 từ hai tổng Thổ dân thượng du của huyện An Phước, có hai tổng, 31 xã thôn. Huyện Man: có địa giới về phía tây bắc giáp sơn động; phía đông nam giáp huyện Thổ An Phước [đúng ra là huyện An Phước]. Huyện này cũng được lập vào năm 1886 từ ba tổng dân man miền thượng du huyện An Phước, có ba tổng, số làng trại chưa rõ.
Đạo lỵ: đặt ở địa phận xã Kinh Dinh. Nguyên trước là huyện lỵ huyện An Phước, vào năm Minh Mạng thứ tư (1823) huyện An Phước thuộc phủ (Ninh Thuận) kiêm lý nên gọi là phủ Thành [trước năm 1976, ở thị xã Phan Rang có địa danh Phủ Thành (ấp) sau hợp với Hà Thanh thành phường Phủ Hà, không rõ có liên quan gì với phủ Thành ngày xưa không?]. Năm 1901, đổi phủ thành đạo, lỵ sở của đạo (đạo lỵ) vẫn đặt ở xã Kinh Dinh.
Một số địa danh hành chính (có ghi trong sách dẫn): tổng Vạn Phước, tổng Phú Quí, tổng Tú Trà, tổng Ninh Gia, xã Kinh Dinh (nơi đặt lỵ sở đạo Ninh Thuận), xã Đắc Nhân (Nhơn), xã Đông Giang, thôn Đắc Nhân (Nhơn), thôn An Nhơn, thôn Sơn Hải, thôn Đại Định, thôn Mỹ Đức, thôn Phước Khánh, thôn An Hòa, thôn Hậu Sinh (Sanh), thôn Bỉnh Nghĩa, thôn Tri Thủy, thôn Nho Lâm, thôn Cam Tỉnh, thôn Lạc Nghiệp, thôn Hợp Mỹ, thôn Mỹ Thịnh (Thạnh), thôn Hương Cựu, thôn Khánh Hội, thôn Đạo Long, thôn Phước Thiện, thôn An Thịnh (Thạnh), thôn Thái An. Phần lớn các địa danh trên còn giữ đến ngày nay. Ngoài ra chưa xác định được danh sách đầy đủ các địa danh hành chính trực thuộc các huyện trong thời kỳ này.
Số đinh, ruộng đất và sưu thuế: Vào năm Thành Thái thứ 18 (1906) đạo Ninh Thuận có số đinh là 8.405 người. Trừ số chức sắc miễn sai ra, số đinh phải nộp thuế là 8.333 người (trong đó dân man là 525 người). Mỗi đinh phải nộp tiền sưu là một đồng năm hào, tổng cộng số tiền sưu là 18.361 đồng lẻ, tiền công ích là 3.333 đồng lẻ, tổng cộng là 21.694 đồng. Số ruộng đất là 22.571 mẫu, tiền thuế cộng 17.421 đồng lẻ, nộp thêm sáu phần trăm được 871 đồng lẻ, tổng cộng là 18.292 đồng lẻ.[2] [3]
Một số sông lớn của đạo: Sông Phan Rang cũng gọi là sông Mai Nương, về phía hạ lưu – đến thôn Phước Khánh có sông Ma Né [sông Lanh Ra – sông Quao ngày nay] từ hướng tây bắc đổ vào, tiếp đến thôn An Hòa có sông Ma Bố từ phía tây đổ vào. Sông Mai Nương [sau này gọi là sông Cái, sông Dinh, sông Kinh Dinh] đổ ra cửa Phan Rang. Sông Ma Bố [sông Giá, sông Lu ngày nay] trước đây là ranh giới giữa hai huyện An Phước và Tuy Phong (từ địa giới tỉnh Khánh Hòa đến sông Ma Bố là huyện An Phước, từ sông Ma Bố đến sông Ròn là huyện Tuy Phong đều thuộc phủ Ninh Thuận; từ sông Ròn đến sông Phố Hài là huyện Hòa Đa, từ sông Phố Hài đến địa giới tỉnh Biên Hòa là huyện Tuy Định đều thuộc phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận).
Cửa biển và đầm nước: từ bắc vào nam có các cửa biển sau: cửa biển Cam Ranh (ranh giới giữa huyện An Phước và huyện Vĩnh Xương (tỉnh Khánh Hòa), cửa biển Vĩnh Hy, cửa biển Ma Văn (thông với đầm Hương Cựu [nay là đầm Nại], cửa biển Phan Rang (nơi sông Mai Nương đổ ra biển), cửa biển Cà Ná (ranh giới giữa huyện An Phước và huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận).
Đập nước: có đập Mai Nương trên sông Mai Nương thuộc địa phận xã Đắc Nhân, huyện An Phước. Đập Nha Trinh cũng ở trên sông Mai Nương. Các đập nước trên do nhân dân địa phương đắp để dẫn nước tưới ruộng.
Đường sá và dịch trạm: trên địa bàn đạo có tuyến đường quan báo (từ Kinh sư đến các tỉnh) cũng là con đường thiên lý bắc nam, từ giáp địa giới tỉnh Khánh Hòa (trạm Hòa Quân) đến giáp tỉnh Bình Thuận (trạm Thuận Hảo). Thuộc địa bàn đạo Ninh Thuận có các dịch trạm sau (từ bắc vào nam): trạm Ninh Lai ở địa phận thôn Tri Thủy (tên cũ là trạm Thuận Lai ở thôn Nhân Sơn), trạm Ninh Mai ở địa phận xã Kinh Dinh (tên cũ là trạm Thuận Mai), trạm Ninh Trinh ở địa phận thôn Nho Lâm (tên cũ là trạm Thuận Trinh ở thôn Đại Định), trạm Ninh Lãng ở địa phận thôn Lạc Nghiệp (tên cũ là trạm Thuận Lãng ở thôn Cam Tĩnh). Ngoài ra còn có một số con đường nhỏ khác như: con đường nhỏ từ phía tây đạo đến động man, con đường nhỏ từ trạm Thuận Lai theo hướng tây bắc đến xứ Cà Dương [có lẽ nay là Tà Dương], con đường nhỏ từ trạm Thuận Mai theo hướng tây bắc đến xứ Nhớ Trùm, con đường nhỏ từ trạm Ninh Trinh theo hướng tây đến xứ Man Giá, ...
Trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Ninh Thuận ngày nay, đơn vị hành chính Ninh Thuận có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vị trí tầm quan trọng của địa bàn này trong việc tổ chức các đơn vị hành chính trực thuộc trung ương của Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay. Trong đó có thời kỳ địa bàn này có tên gọi là đạo Ninh Thuận (đạo như là một tỉnh nhỏ). Bài viết này như là sự tìm hiểu về Phan Rang – Ninh Thuận trong một giai đoạn lịch sử của địa phương.
Phạm Tương Phùng
--------------------------------------
[1] Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn bản dịch của Phạm Trọng Điềm, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2006, không có riêng phần nói về Đạo Ninh Thuận, địa bàn Phan Rang – Ninh Thuận (phủ Ninh Thuận) nằm trong nội dung nói về tỉnh Bình Thuận – quyển XII (trong tập 3).
[2] Số liệu cùng thời kỳ của tỉnh Bình Thuận là: số đinh 11.773 người, tổng cộng tiền sưu là 32.766 đồng. Số ruộng đất là 41.181 mẫu, tiền thuế 44.066 đồng lẻ; với tỉnh Khánh Hòa số liệu tương ứng là: 11.436 người, 29.156 đồng, 21.359 mẫu, 25.918 đồng. [Sđd, các trang 667 và 635]
[3] Vài số liệu về dân số tỉnh Ninh Thuận: 1921: 56.000 người; 1943: 81.000 người; 1957: 114,9 nghìn người; 1967: 156,2 nghìn người; 1973: 259,5 nghìn người; 1985: 378,1 nghìn người; 1990: 411,1 ngìn người; 1995: 446,5 nghìn người; 2000: 514,8 nghìn người [Theo: Tổng cục Thống kê, 2004: Số liệu Thống kê Việt Nam thế kỷ XX, tập 1 và 2; Nxb Thống kê]