Địa danh Ô Cam

(NTO) Xét toàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay và trong bản đồ của tỉnh, địa danh Ô Cam, có khi gọi Ô Căm, Ô Câm chỉ còn lưu hành là sông Ô Căm, đập nước Ô Căm thuộc địa phận xã miền núi Phước Trung, huyện Bác Ái được người xưa khởi dựng, bồi đắp.

Thật vậy, theo Nhà báo Sơn Ngọc trong bài “Lễ tế sắc Po Klong Kachhat“ mô tả đồng bào Chăm Bà ni thôn Lương Tri tổ chức cúng tế Po Klong Kachhat thì hệ thống thủy lợi Ô Câm xuất phát từ việc ông Po Klong Kachhat có tài xây dựng hệ thống thủy lợi và kiến thiết ruộng đồng, được vua Po Klong Girai (1151 – 1205) trọng dụng. Po Klong Kachhat đã tổ chức đắp đập Ô Câm và hướng dẫn dân chúng đào mương dẫn nước từ xã Phước Trung về tưới cho đồng ruộng Chà Vum. Nhờ đó người dân địa phương có cuộc sống ấm no. Khi Po Klong Kachhat qua đời, người dân Lương Tri lập đền thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 (1881), vua có sắc phong ghi nhận công lao của ông. Sắc phong hiện còn lưu giữ tại đền thờ Po Klong Kachhat.

Suối Lô Pa là mạch nguồn chính của đập Ô Cam và hồ chứa nước Phước Trung
chứa trên 2,3 triệu mét khối nước bảo đảm tưới cho hàng trăm hecta đất canh tác.
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Ghi nhận từ thực địa và theo hồ sơ thủy lợi thì hiện nay có địa danh hồ Ô Cam/Căm vị trí ở xã Phước Trung, dung tích 0,31 triệu mét khối. Hồ này khác với hồ Phước Trung mới xây dựng sau này.

Đến đây chúng ta bằng lòng với địa danh Ô Cam. Nhưng trong các sách xưa, như sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn dưới thời vua Tự Đức thì địa danh Ô Cam xuất hiện hoàn toàn khác và “bất ngờ”. Phần miêu tả về núi, sách ghi: “Đường núi ngăn chặn có núi Ô Cam“, “Núi Ô Cam: ở phía Đông Nam huyện kề bãi biển. Đầu bản triều, Chưởng cơ Tống Phước Hòa đánh nhau với Tây Sơn, đóng binh ở Ô Cam, tức là đây“. Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa, 2006, trang 154.

Ở đây lưu ý là thời điểm biên soạn sách, Ninh Thuận thuộc phủ Bình Thuận có 2 huyện: Yên Phước và Tuy Phong; huyện Tuy Phong từ phía Nam sông Lu trở vào Long Hương, Bình Thạnh.

Từ những miêu tả trong sách Đại Nam nhất thống chí nêu trên, chúng tôi cho rằng địa danh núi Ô Cam chính là núi sát eo biển Cà Ná trong phần đất thuộc Ninh Thuận ngày nay. Bởi vì phần miêu tả có nêu chi tiết: “kề bãi biển” và ở phần đền miếu của sách có ghi: “Đền thần Ô Cam: ở trên núi Ô Cam huyện Tuy Phong, thờ Phu Nhân Cố Hỉ rất thiêng”, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa – 2006, trang 175.

Khảo sát tại Cà Ná, hiện nay còn đền thờ Cố Hỉ Phu Nhân trên núi đá, gọi là dinh Cố, Cố Hỉ Mẫu Nương Nương, 5 sắc phong, khôi phục sửa chữa năm 1989.

Địa danh núi Ô Cam này lại rắc rối khi còn có tên khác là núi Ô Rem, (có khi trùng phát âm Hán Việt). Vì trước khi sách Đại Nam nhất thống chí ra đời 70 năm, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định, Thượng thư Bộ Binh biên soạn thời Gia Long 1806, đã mô tả đường thiên lý Bắc Nam: “Trạm Thuận Lãng: Đặt lính thường trực ở trạm gồm 17 suất... phía Đông có con đường nhỏ đi 580 tầm thì đến cửa biển Cà Ná, phía bờ Bắc là thôn Lạc Nghiệp, dân cư rất trù mật, làm nghề chài lưới... Đến Bãi Chùy, dài 150 tầm, phía Đông chạy dọc theo bãi biển, đường toàn bằng đá san hô nhỏ lẫn với cát thô, phía Tây là rừng cây tươi tốt, đến lũy Ô Rem, phía Đông là lũy biển, phía Nam gần một dãy núi, tục gọi là núi Ô Rem, phía bên phải là phủ do Kính Quận công sai lính đắp bằng đá để trấn giữ chỗ hiểm yếu để chống lại quân Tây Sơn trước đây... đi 770 tầm, đây là giồng Ô Rem, phía đông Đường là bãi biển, phía Tây ven theo chân núi”, Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, (Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 60.

Chúng tôi khẳng định chắc chắn vùng này là eo biển Cà Ná, vì những miêu tả phù hợp hiện nay, có chi tiết về lũy chống quân Tây Sơn... và núi này xưa kia có tên: Ô Cam và Ô Rem!