Góp thêm sử liệu về địa danh liên quan tỉnh Ninh Thuận

(NTO) Đọc bài báo “Phát hiện bản đồ cổ về tỉnh Ninh Thuận khắc trên Mộc bản triều Nguyễn” của tác giả Cao Thị Thơm Quang (Báo Ninh Thuận ngày 16-9-2017), chúng tôi nhận thấy đây là một tư liệu lịch sử rất quý về mặt bản đồ. Để bổ cứu thêm giá trị bản đồ khắc Mộc bản này, xin giới thiệu vắn tắt về thời điểm địa danh hành chính Ninh Thuận, Phan Rang xuất hiện.

Đúng như tác giả bài báo viết: Địa danh hành chính Ninh Thuận lần đầu xuất hiện vào năm 1832 (Minh Mạng năm thứ 13, tính từ khi vua lên ngôi năm 1820). Đây là thời kỳ vua Minh Mạng đẩy mạnh việc sắp xếp lại đơn vị hành chính từ Bắc vào Nam, để rồi đến năm 1836, vua cho tổng kết công cuộc đo đạc, lập địa bạ toàn quốc kéo dài 31 năm (1805-1836) khởi thủy từ đời vua Gia Long, mà sau này nhiều nhà sử học gọi là “Công cuộc tổng điều tra đất đai” trong cả nước.

Về địa danh hành chính Ninh Thuận, việc phát hiện bản đồ củng cố những ghi chép trong các bộ sử của triều Nguyễn: “Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) chia đặt làm 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, lại đặt thêm 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định. Năm ấy (1832) đổi trấn làm tỉnh, đặt Tuần phủ Thuận Khánh coi cả 2 tỉnh Bình Thuận và tỉnh Khánh Hòa” (1). Theo đó, phủ Ninh Thuận, cùng với phủ Hàm Thuận thuộc tỉnh Bình Thuận, được mô tả chi tiết địa giới như sau: “Phủ Ninh Thuận: cách tỉnh thành 12 dặm về phía Đông Bắc (nghĩa là lỵ sở tỉnh Bình Thuận ở Phan Rí Thành đến ranh giới phủ Ninh Thuận tại sông Ròn, dốc Duồng là 12 dặm). Đông Tây cách nhau 136 dặm, Nam Bắc cách nhau 95 dặm (từ khoảng Du Long đến sông Ròn, dốc Duồng), Đông đến biển giáp địa giới huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa 6 dặm, Tây đến địa giới huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận 129 dặm, Nam đến biển 27 dặm, Bắc đến huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa 68 dặm. Nguyên là đất phủ Hàm Thuận, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) trích đặt phủ này, lại chia đất huyện Yên Phước, đặt 2 huyện Yên Phước và Tuy Phong lệ vào” (2).

Vậy bấy giờ trong phủ Ninh Thuận gồm những đơn vị hành chính nào? Tài liệu Địa bạ triều Nguyễn thống kê: “Tỉnh Bình Thuận hồi 1832 gồm: 1. Phủ Ninh Thuận có 2 huyện: huyện An Phước, huyện Tuy Phong. 2. Phủ Hàm Thuận có 2 huyện: huyện Hòa Đa, huyện Tuy Định” (3).

Trong phủ Ninh Thuận gồm huyện An Phước có 4 tổng: tổng Đức Lân (tương ứng với địa bàn Ninh Phước), tổng Kinh Dinh (tương ứng với địa bàn Phan Rang, một phần của địa bàn Ninh Hải), tổng Lương Tri (tương ứng với một phần của địa bàn Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc), tổng Vạn Phước (tương ứng với một phần địa bàn Ninh Phước); huyện Tuy Phong có 4 tổng: tổng Nghĩa Lập (tương ứng với địa bàn Thuận Nam và một phần Ninh Phước), tổng Phú Quý (tương ứng với một phần địa bàn Ninh Phước, Thuận Nam ngày nay và đảo Phú Quý, Bình Thuận), tổng Bình An (tương ứng với địa bàn huyện Tuy Phong, Bình Thuận ngày nay từ dốc Duồng trở ra), tổng Tuy Tịnh (tương ứng với địa bàn huyện Tuy Phong, Bình Thuận ngày nay) (4).

Ngược thời gian, xin cung cấp thêm địa danh tên sông Phan Rang, Phan Lung, sông Mai Nương… xuất hiện từ năm 1635; song đúng địa danh mang tính chất hành chính xuất hiện năm 1697 là đạo Phan Rang: “Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận, lấy đất phía Tây Phan Rang làm 2 huyện Yên Phúc và Hòa Đa lệ vào, lại đặt dinh Bình Thuận cho trấn Thuận Thành lệ vào; đặt 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài…” (5).

Như vậy chúng ta có 2 mốc thời gian đáng nhớ về địa danh hành chính: năm 1697 ra đời đạo Phan Rang, năm 1832 ra đời phủ Ninh Thuận.

(1): Quốc Sử quán Triều Nguyễn (2006):

Đại Nam Nhất thống chí, tập 3,

NXB Thuận Hóa, trang 145.

(2): Đại Nam nhất thống chí, tập 3 (2006) sđd, trang 147.

(3): Nguyễn Đình Đầu: (1996) Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, Bình Thuận, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, trang 57.

(4): Nguyễn Đình Đầu: (1996) Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn, sđd, từ trang 266-351.

(5): Đại Nam nhất thống chí, tập 3 (2006) sđd, trang 144.