VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để nông thôn mới thực sự là nơi đáng sống!

(NTO) Trong những ngày cuối năm, nếu có dịp đến với các xã nông thôn mới (NTM) trong tỉnh, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay không chỉ bộ mặt của xã mà còn là đời sống, tinh thần của không ít hộ dân nơi đây. Có thể nói, kết quả này là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị của tỉnh, các địa phương và sự đồng lòng của người dân từ ngày phát động Chương trình xây dựng NTM năm 2011 đến nay.

 Điều đáng ghi nhận ở đây là trong quá trình thực hiện tỉnh ta đã lồng ghép giữa NTM với các chương trình, dự án, mục tiêu Quốc gia và các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước phát động một cách đồng bộ, hiệu quả như: Lồng ghép giữa chương trình xây dựng NTM với chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Chương trình đào tạo nghề nông thôn, Chương trình phát triển kinh tế của địa phương; Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế…Chỉ tính về huy động nguồn lực để xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, riêng từ ngân sách nhà nước được trên 1.426,73 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương và vốn lồng ghép 1.241,637 tỷ đồng. Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả Chương trình, trong giai đọan 2011-2015, đã huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác được trên 4.260,81 tỷ đồng, trong số này tín dụng thương mại phát triển sản xuất trên 4.031,94 tỷ đồng, huy động doanh nghiệp 112,49 tỷ đồng, huy động từ dân cư và nguồn khác 116,383 tỷ đồng…Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là đầu tư phát triển sản xuất nâng cao đời sống người dân ổn định, bền vững, từ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như: Sản xuất lúa nguyên chủng, sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, sản xuất bắp lai...Thông qua các mô hình đã chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân để ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả và được nhân rộng như: sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” đã nhân rộng hơn 10.000 ha, năng suất lúa vượt trên 30%, thu nhập tăng thêm 5,5 triệu đồng/ha so với tập quán sản xuất cũ; mô hình VietGAP trên cây nho, sản xuất rau an toàn, tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi gắn với xây dựng hầm Biogas, máy dò ngang cho tàu khai thác hải sản... Ngoài ra, về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã cứng hóa được 53,9 km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố gần 4,385 km kênh mương nội đồng; xây dựng một số phòng học, tường rào các trường tiểu học, mẫu giáo; nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế…Mặt khác, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn các địa phương đã cứng hóa gần 310 km đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố hóa gần 30 km kênh nội đồng; đầu tư 190 trạm biến thế/18.345 kVA; đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa 17 trạm y tế, 20 chợ; nhà ở dân cư ngày một được cải thiện, kiên cố hóa, đã xóa 3.265 nhà tạm, nhà dột nát…

Một góc nông thôn mới xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Miên

Những thành quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đáng kể đời sống của người dân các xã xây dựng NTM, nhất là thông qua ứng dụng các mô hình sản xuất có hàm lượng công nghệ cao đã giúp nhiều nông hộ vượt qua khó khăn do biến đổi khí hậu thời gian qua, đồng thời ngày càng thể hiện quyết tâm xây dựng thành công NTM ở nhiều địa phương. Cụ thể là từ 11 xã điểm hoàn thành các tiêu chí NTM năm 2015, năm 2016 tiếp tục có 5 xã đạt chuẩn và không còn xã dưới 7 tiêu chí…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định dẫn đến thiếu “vững chắc” trong xây dựng NTM, đó là một số địa phương vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư chưa được phát huy tốt, có nơi còn trông chờ và ỷ lại nguồn lực đầu tư nhà nước. Nguồn lực đầu tư từ NSNN trực tiếp cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu thực tế, trong 5 năm (2011-2015) chỉ bằng 1,5%/tổng nguồn lực huy động trong đầu tư cho phát triển sản xuất, nhất là chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho người dân để ứng dụng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân còn hạn chế; chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Vấn đề khuyến khích cho nông dân và doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn…vẫn chưa có “đột phá” mới, quan trọng nhất là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, và sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao, quy mô lớn để sản xuất ra khối lượng hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu; đồng thời khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng,để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế thấp nhất tình cảnh được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên....

Nêu ra những vấn đề trên để quyết tâm khắc phục nhằm đạt những thành quả cao hơn trong giai đoạn phát triển mới 2016-2020. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bản chất của việc xây dựng NTM là để nâng cao đời sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. NTM phải là nơi đáng sống, có kết cấu hạ tầng tốt hơn, đời sống người dân tốt hơn, bình đẳng xã hội hơn, dân chủ hơn, giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sống trong lành…