Đầu ra nông sản qua kênh kết nối doanh nghiệp

(NTO) Qua tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), một số địa phương trên vùng dự án huyện Ninh Sơn đã phát triển được nhiều chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương. Trong đó, một số chuỗi giá trị nông sản đang có cơ hội lớn giúp nông dân tăng thu nhập khi được kết nối với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Sơn, Phó phụ trách DASU huyện, cho biết, trong định hướng về lựa chọn các chuỗi giá trị vì người nghèo để phát triển, đối với nhóm nông sản, địa phương ưu tiên một số loại cây trồng gồm các chuỗi: mía, bắp, lúa, mì, chuối…Từ khi hoạt động kết nối thị trường và doanh nghiệp được triển khai, đến nay, có một số cây trồng tại các xã đã bước đầu liên kết được với doanh nghiệp, qua đó mở ra cơ hội cho các hộ nghèo và cận nghèo khi tham gia vào phát triển các loại nông sản đặc thù của địa phương.

 
Nông dân xã Mỹ Sơn phát triển chuỗi giá trị bắp nhân giống liên kết với doanh nghiệp.

Một trong số những loại nông sản thế mạnh đã kết nối với doanh nghiệp trên vùng dự án Ninh Sơn phải kể đến cây bắp, với diện tích phần lớn tập trung ở xã Mỹ Sơn. Đây cũng là địa phương được đánh giá có điều kiện thuận lợi để hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Mía, mì, thuốc lá, bắp… Riêng về chuỗi giá trị cây bắp, hiện nay xã Mỹ Sơn đã hình thành vùng trồng bắp thương phẩm và bắp nhân giống, với diện tích gần 500 ha/vụ. Địa phương cũng đã thành lập được 4 nhóm sở thích trồng bắp, với phần lớn diện tích và thành viên tập trung tại thôn Phú Thạnh. Sau khi được thành lập, từ nguồn quỹ CSG, các nhóm đã được hỗ trợ về phân bón, giống, kinh phí cải tạo đất…Đặc biệt, qua tác động của Dự án HTTN, các nhóm đã ký hợp đồng liên kết được với 3 DN trong tỉnh, gồm: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố để phát triển chuỗi giá trị bắp nhân giống, với các loại giống LVN 8960, LVN 885, LVN 10…Nhờ sự hỗ trợ và liên kết được với các DN, sản xuất bắp của nông dân bước đầu được “thông suốt” từ đầu vào và đầu ra.

Theo chị Vày Sắc Mùi, Trưởng nhóm chuỗi giá trị bắp nhân giống (tổ số 1) thôn Phú Thạnh, cho biết, 10 thành viên trong nhóm sản xuất bắp nhân giống hơn 90 ha, phần lớn đều ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, chỉ có một số ít còn liên kết với tư thương bên ngoài. Từ khi hoạt động ký kết với DN được triển khai, các thành viên trong nhóm đều rất an tâm sản xuất, giá cả sau khi được DN thu mua cũng rất phù hợp, không bị tư thương chèn ép như trước đây. Hiện nhóm cũng đang xem xét kết nạp thêm thành viên, tạo thêm cơ hội cho các hộ khó khăn khác tham gia ký kết với DN để cùng hưởng lợi.

Được biết, ngoài chuỗi giá trị bắp ở Mỹ Sơn, tại khu vực vùng dự án xã Lâm Sơn, chuỗi giá trị về cây chuối cũng vừa kết nối với hai cơ sở sản xuất và tiêu thụ chuối là Phương Thảo (tại xã Lâm Sơn) và Minh Châu (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải). Qua kết nối bước đầu, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết sản xuất, kinh doanh và thu mua sản phẩm của bà con, các DN đã bước đầu có một số hỗ trợ nhất định để giúp các nhóm trồng chuối trên địa bàn xã Lâm Sơn ổn định các mô hình trồng chuối. Bên cạnh đó, lâu nay tại vùng dự án xã Quảng Sơn, trong số hai loại cây trồng chủ lực mía và mì, thì cây mía cũng đã có sự kết nối bao tiêu với Công ty Mía đường Phan Rang, công tác thu mua hàng năm luôn được đảm bảo cho nông dân.

Có thể nói, ưu thế nổi bật trong phát triển chuỗi giá trị bắp ở một số vùng dự án Ninh Sơn chính là đã tạo được liên kết với các doanh nghiệp, nên nông dân đã mạnh dạn, chủ động tham gia vào sản xuất, đây là điểm rất đáng mừng trong việc triển khai thực hiện phát triển các chuỗi giá trị tại các địa phương trong vùng Dự án HTTN, mở ra cơ hội cho nhiều hộ khó khăn cùng được hưởng lợi và cải thiện được cuộc sống.