Có thể nói, 5 năm qua toàn tỉnh nỗ lực thực hiện Chương trình nói trên, nhất là ở 47 xã xây dựng NTM và đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra, trong đó tập trung ở 3 mục tiêu chính, đó là: Về huy động nguồn lực đã thu hút được trên 5.584 tỷ đồng từ nhiều nguồn để đầu tư thực hiện các tiêu chí NTM, góp phần không những cải thiện bộ mặt dân sinh, mà còn phát triển sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ. Đáng quý là thông qua tuyên truyền, vận động không ít hộ dân đã nhận thức được lợi ích của Chương trình, phát huy được vai trò chủ thể trên tinh thần: “Dân biết, dân bàn, dân làm, kiểm tra và thụ hưởng”, từ đó tích cực tham gia bằng nhiều hành động thiết thực. Theo ước tính trong 5 năm qua, nguồn lực đóng góp trong dân trên 81,1 tỷ đồng. Có những hộ dân mặc dù đời sống tuy còn khó khăn nhưng vẫn hiến đất với diện tích khá lớn để xây dựng các công trình NTM như làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây trường học… Có hộ hiến đến 5.000 m2 như ông Lê Thanh Việt (xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn).
Hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang góp phần xây dựng xã Tân Hải (Ninh Hải) đạt chuẩn NTM. Ảnh: Văn Miên.
Toàn tỉnh đã có 11 xã đạt chuẩn NTM và nhiều xã đã nâng được tiêu chí, đạt bình quân trên 12 tiêu chí/xã và “xóa” được xã dưới 5 tiêu chí. Điều đáng nói nhất là đời sống người dân các địa phương xây dựng NTM đã có cải thiện rõ rệt thông qua con số thu nhập. Nếu như năm 2011 thu nhập bình quân khu vực nông thôn là gần 12 triệu đồng/người/năm thì sau 5 năm đã tăng lên 1,9 lần với con số bình quân trên 22,8 triệu đồng/người/năm…
Từ những kết quả đạt được, mục tiêu tỉnh ta đặt ra trong 5 năm tới, đó là tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần ngưởi dân ngày một nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu đã nêu, theo ước tính tổng nguồn lực cần huy động trên 4.049,32 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ người dân và cộng đồng trên 380 tỷ đồng…
Có thể nói xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và có tác động rõ rệt đến khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để quá trình xây dựng NTM thành công, người dân hưởng lợi thực sự từ thành quả đó trong giai đoạn tới, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM ... để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ: đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn; xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ thể; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công và bền vững. Mặt khác, các xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng xã, tránh rập khuôn, máy móc. Ngoài ra, cần đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm: Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là cơ chế chính sách cần phải ban hành kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Thực tế cho thấy cơ chế chính sách phù hợp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nhân dân, doanh nghiệp đầu tư vốn phát triển sản xuất; giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình...
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân, tin rằng Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ sớm đạt mục tiêu như đã đề ra.
TD