Mô hình liên kết trồng táo an toàn theo hướng VietGAP ở thôn Bảo Vinh

(NTO) Bảo Vinh là 1 trong 5 thôn thuộc xã Phước Vinh (Ninh Phước) nằm trong vùng hưởng lợi của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Toàn thôn hiện có 378 hộ, với 1.572 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng Ban quản lý thôn cho biết: Diện tích đất sản xuất của thôn khoảng 100ha, bao gồm lúa, bắp, táo, một số hoa màu khác và cỏ phục vụ chăn nuôi. Riêng diện tích trồng táo đến nay phát triển được hơn 10ha. So với nhiều cây trồng thuộc hàng lâu năm, thì cây táo lợi thế ở chỗ cho thu hoạch dài ngày, giá trị kinh tế khá cao. Do đó, qua định hướng của Ban Phát triển xã, Ban quản lý thôn và bà con nông dân đồng tình cao khi chọn cây táo là chuỗi giá trị vì người nghèo nhằm mục tiêu tăng thu nhập, tiến tới giảm hộ nghèo. Trong số 3 NST trồng táo được thành lập ở thôn thì NST số 2 do anh Lê Quốc Nghĩa làm trưởng nhóm đang tiến hành các bước đánh giá kết quả triển khai trồng táo an toàn theo hướng VietGAP, dưới sự hỗ trợ của Quỹ CSG thuộc Dự án HTTN. Qua thẩm định ban đầu của DASU huyện, nhóm được đánh giá cao khi mục tiêu đặt ra về nâng cao năng suất, tăng thu nhập và tái sản xuất cơ bản đạt yêu cầu.

 
Anh Hồ Trung Quang (thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh) áp dụng kỹ thuật trồng táo theo hướng VietGAP.

Giới thiệu về NST do mình phụ trách, anh Lê Quốc Nghĩa cho biết: Nhóm được thành lập vào tháng 12-2013, với 17 thành viên; trong đó có 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo còn lại là hộ trung bình. Tổng diện tích các hộ thành viên đăng ký mô hình trồng táo an toàn theo hướng VietGAP là 4ha và bắt đầu triển khai thực hiện vào tháng 4-2015. Trong quá trình tiến hành, các hộ thành viên đã tham gia 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ vật tư nông nghiệp và hướng dẫn cách làm bẫy, bả sinh học phòng trừ ruồi đục. Từ nguồn tài trợ của dự án, nhóm nhận được 100 triệu đồng và 13,6 triệu đồng vốn đối ứng của hộ thành viên để mua vật tư nông nghiệp, dụng cụ sản xuất, bi chứa rác thải nông nghiệp, bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi vàng đục táo; chia đều cho các hộ thành viên hưởng lợi trên diện tích 1 sào. Qua giám sát của nhóm, các hộ đã tuân thủ nghiêm quy trình từ khâu ghi chép, chăm sóc, dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, quy trình cách ly khi thu hoạch… Cuối vụ, ước tính sản lượng bình quân trong nhóm đạt từ 5,5-6 tấn/sào, sản lượng cao hơn vụ trước canh tác theo cách truyền thống gần 1,5 lần; giá bán trung bình 5.000/kg, lợi nhuận sau khấu trừ chi phí từ 15-20 triệu đồng/sào.

Cái hay ở NST trồng táo 2 của thôn Bảo Vinh là các hộ thành viên không chỉ tổ chức trồng theo hướng an toàn trên 1 sào đăng ký hưởng lợi từ Dự án HTTN, mà đã mở rộng ra toàn bộ diện tích đang canh tác táo của gia đình và tiếp tục tái sản xuất vụ tiếp theo. Anh Hồ Trung Quang, thành viên NST, chia sẻ: Canh tác theo hướng VietGAP kỳ công hơn so với cách trồng thông thường nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn, mặt khác trái táo đưa ra thị trường tiêu thụ đảm bảo chất lượng hơn. Nhờ có một phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất ban đầu từ Dự án HTTN, gia đình đã mở rộng diện tích trồng thêm 1 sào nữa (ngoài diện tích 1 sào đăng ký trong NST) nên lứa táo mới trồng đang cho thu hoạch vào trái vụ, giá bán 9.000 đồng/kg. Qua đó, cũng phần nào khẳng định thêm hiệu quả kinh tế cho người trồng táo khi áp dụng mô hình mới.

Hiệu quả bước đầu đã có nhưng trăn trở lớn nhất của NST trồng táo 2 vẫn là đầu ra ổn định cho nông dân. Trưởng nhóm Lê Quốc Nghĩa chia sẻ: Mặc dù đã có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu nhưng với cách thu mua “chậm”, tức là táo hái xong chở xuống doanh nghiệp thì phải đợi 2-3 ngày mới được cân thì chất lượng trái táo tươi giảm sút, sản lượng cũng bị hao hụt. Vụ vừa rồi, bà con chỉ bán cho doanh nghiệp được 1 vài lần, sau đó thì chuyển sang bán cho thương lái như trước đây. Do đó, mong muốn chung của NST là DASU huyện đề xuất cơ quan hữu quan cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP cho các hộ sản xuất đạt chất lượng; đồng thời, tìm hướng giải quyết nhằm giúp nông dân vừa có đầu ra ổn định, xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa NST với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người trồng táo và phát triển chuỗi giá trị táo của địa phương.