Mô hình nuôi bò sinh sản tập trung, phát huy lợi ích cộng đồng ở thôn Khánh Nhơn 2

(NTO) Tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, lựa chọn các mô hình chăn nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là mô hình nuôi bò sinh sản theo hướng tập trung không những tạo nguồn sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo, mà còn phát huy được lợi ích liên kết nhóm để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Ông Trần Đồng Quý, Thường trực Ban Phát triển xã, cho biết: Địa phương hiện có tổng đàn gia súc hiện có 11.723 con, chủ yếu là bò, dê, cừu. Từ điều kiện thực tế phù hợp với chăn nuôi như có đồng cỏ tự nhiên, người chăn nuôi biết chủ động trồng cỏ làm nguồn thức ăn nên chăn nuôi gia súc, trong đó có chăn nuôi bò là một trong những chuỗi giá trị ưu tiên được Ban Phát triển xã xác lập ngay từ những năm đầu triển khai dự án. Đến nay, Ban Phát triển xã đã thành lập 7 nhóm sở thích (NST) nuôi bò trên toàn xã. Quá trình tham gia dự án, các NST và nông dân địa phương được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, hướng dẫn cách nhận biết và phòng bệnh trên đàn bò... Đặc biệt, thông qua Quỹ CDF thuộc Dự án HTTN, có 6 NST nuôi bò được đầu tư bò sinh sản để nhóm quản lý và hoạt động sao cho hiệu quả để mọi thành viên đều được hưởng lợi. Trong số 6 nhóm, duy nhất có NST nuôi bò thôn Khánh Nhơn 2 là hoạt động theo mô hình nuôi tập trung, trong khi các nhóm còn lại đều theo hướng phân chia bò cái xoay vòng cho từng hộ thành viên.

 
Ông Nguyễn Hữu Nhứt chăm sóc đàn bò nuôi tập trung của NST.

Trao đổi với chúng tôi về cách làm khác biệt này của NST thôn Khánh Nhơn 2, ông Nguyễn Hữu Nhứt, Trưởng nhóm, cho hay: Thông qua Dự án HTTN, nhóm được hỗ trợ 110 triệu đồng, cộng với vốn đối ứng của 10 hộ thành viên là 10 triệu đồng nữa, Ban Phát triển thôn cùng các thành viên trong nhóm đã họp bàn cách sử dụng nguồn vốn này sao cho đầu tư hiệu quả, nhanh sinh lợi. Được sự thống nhất của tất cả thành viên, chúng tôi tiến hành mua 4 con bò đã cấn chửa, xây dựng 1 chuồng nuôi tập trung và trồng gần 1 sào cỏ voi có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để duy trì nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò. Nhóm cũng phân công cử 2 thành viên phụ trách chăm sóc đàn bò 1 ngày, quá trình chăm sóc bao gồm cắt cỏ, cho bò ăn, uống. Lý do nuôi tập trung là do 7 hộ nghèo và cận nghèo trong nhóm đều không có đất sản xuất, nếu phân chia bò về nuôi riêng lẻ thì các hộ sợ rằng không thể đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho bò mẹ trong thời điểm nắng hạn này. Mặt khác, nuôi tập trung sẽ phát huy được tính liên kết nhóm từ khâu quản lý, chăm sóc và hài hòa lợi ích mọi thành viên hơn. Đến khi bò cái sinh sản xong, lứa bê đầu tiên sẽ ưu tiên cho hộ nghèo và cận nghèo nhận trước; bò mẹ tiếp tục được nhân giống và tiến hành định giá để chia đều cho tất cả thành viên còn lại. Hiện đã có 1 con bò mẹ sinh được 1 bê con. Các hộ trong NST rất phấn khởi vì đã có kết quả bước đầu.

Theo Ban Phát triển xã Nhơn Hải, tuy chỉ là mô hình triển khai trên một NST nhưng yếu tố lợi ích cộng đồng đã được NST nuôi bò sinh sản thôn Khánh Nhơn 2 phát huy tối đa. Trong đó phải kể đến vai trò tiên phong vì lợi ích chung của người nhóm trưởng. Để có đất trồng cỏ, có nơi đặt chuồng tập trung cho đàn bò của NST, ông Nhứt đã trích một phần đất của gia đình để NST sử dụng. Về phía các hộ thành viên cũng tạo được mối quan hệ gắn bó trong một nguồn đầu tư, cùng quản lý một tài sản chung để sinh lợi cho nhóm và cho chính hộ gia đình, từ đó vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Với cách làm của NST nuôi bò sinh sản thôn Khánh Nhơn 2, đã có nhiều NST chăn nuôi trên địa bàn xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua đây, có thể thấy rằng tác động từ Dự án HTTN là đã thu hút được hộ nghèo và cận nghèo vào các chuỗi giá trị, tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.