Được thành lập vào năm 2013, với hộ 10 thành viên của 2 thôn Trà Giang 3 và Tân Lập 1, nhưng phải đến cuối năm 2014, nhóm chung sở thích nuôi bò sinh sản thôn Tân Lập 1 mới được hỗ trợ con giống trực tiếp và đi vào hoạt động. Qua gần 2 năm triển khai, đến nay, đây là một trong những nhóm sở thích chăn nuôi được Ban Phát triển xã Lương Sơn đánh giá cao về kết quả cũng như cách làm hay của nhóm để phát huy được lợi ích chung cho cộng đồng.
Ông Đặng Văn Sông nuôi bò sinh sản do dự án cấp.
Nói đến cách làm của nhóm, ông Đặng Văn Sông, Trưởng nhóm chung sở thích nuôi bò Tân Lập 1, cho biết: Trong quy chế hoạt động của nhóm, các thành viên phải ký cam kết là sau khi được hưởng lợi hoàn toàn con bò cái giống (con giống sau khi hoàn thành việc luân chuyển cho hộ kế tiếp) thì không được phép bán, nếu bán phải đảm bảo kinh tế ổn định thoát nghèo thì mới được nhóm thống nhất thông qua. Quy chế này có 2 mục tiêu mà nhóm hướng đến: một là, đảm bảo hộ thành viên tham gia sau khi được hưởng lợi từ dự án phải thoát nghèo bền vững; hai là, khuyến khích các hộ hưởng lợi tiếp tục nuôi gầy đàn để thôn Tân Lập 1 hướng đến việc thành lập hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi và trồng trọt khi đã đủ điệu kiện.
Thực tế cho thấy, mục tiêu mà nhóm nuôi bò sinh sản Tân Lập 1 đang hướng đến là phát triển kinh tế tập thể cộng đồng theo hướng hợp tác xã, đây cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển và nhân rộng. Qua tìm hiểu, hiện nay, chất lượng và số lượng đàn gia súc của thôn Tân Lập 1 đang ngày một được nâng cao, đặc biệt là chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, phần lớn người dân trên địa bàn thôn đều có ruộng, nương để trồng trọt kết hợp nên nguồn thức ăn cho đàn gia súc luôn đảm bảo.
Liên quan đến kết quả mà nhóm nuôi bò Tân Lập 1 đã đạt được sau gần hai năm đi vào hoạt động, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, số lượng đàn bò của nhóm đã tăng lên 16 con so với 10 con được nhận trước đó. Trong số này, có 6 con đã tiếp tục cấn chửa và dự kiến số lượng đàn sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Điều vui mừng nhất là nhóm đã triển khai được bước luân chuyển con giống cho hộ khó khăn tiếp theo tham gia vào dự án, đó là hộ cận nghèo Hoàng Thị Sen. Được biết, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và điều kiện kinh tế của gia đình chị Sen, các thành viên trong nhóm đã đề xuất chị vào nhóm. Chị Sen phấn khởi cho biết, hiện nay, bò đã cấn chửa, việc được tham gia vào nhóm nuôi bò do Dự án HTTN tài trợ là cơ hội rất lớn để gia đình chị và nhiều hộ khác có thêm điều kiện vươn lên.
Theo ông Sông, trước đó vào tháng 9-2014, nhóm được Dự án HTTN hỗ trợ mua 10 con bò cái với kinh phí khoảng 240 triệu đồng. Trong đó, kinh phí dự án hỗ trợ hoàn toàn, các thành viên trong nhóm chỉ đối ứng 20% vốn nhưng chủ yếu là phí để làm chuồng trại, ngoài ra dự án còn hỗ trợ thêm một con bò đực giống để phối.
Cuối năm 2015, khi việc luân chuyển và kết nạp thêm thành viên mới là hộ chị Sen được hoàn thành, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn đã thấy được hiệu quả của Dự án HTTN và xin tham gia vào nhóm. Đây là một thuận lợi rất lớn để tạo được sự phát triển bền vững, dài lâu và hướng đến quy mô hợp tác xã như định hướng của nhóm đề ra ban đầu.
Theo đánh giá của Ban Phát triển xã Lương Sơn, trong số 7 nhóm chăn nuôi tại địa phương thì nhóm nuôi bò sinh sản thôn Tân Lập 1 được Dự án HTTN đánh giá rất cao. Hiện nay, Ban Phát triển xã cũng đã tìm hiểu và kết nối bước đầu với một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên về mua, bán con giống trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ cho các nhóm chăn nuôi tại địa phương khi có nhu cầu trao đổi, tránh bị tư thương ép giá.
Nguyễn Sơn