DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hiệu quả mô hình cải tạo giống bò qua thụ tinh nhân tạo

(NTO) Dưới sự hỗ trợ kinh phí của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông triển khai hoạt động cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại các xã vùng dự án.

Mục tiêu của mô hình này là nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng trang trại và sản xuất hàng hóa; cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương, tránh hiện tượng đồng huyết; giải quyết công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Bò thụ tinh nhân tạo lai giống Braman đang nuôi tại hộ anh Nguyễn Ngọc Thân
(xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn).

Ngay từ bước xây dựng mô hình, trung tâm đã cử những dẫn tinh viên có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y, có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thụ tinh nhân tạo bò trực tiếp triển khai, theo dõi hoạt động cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong 2 năm 2014-2015. Để mô hình thực hiện hiệu quả, trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, đánh giá thực trạng chăn nuôi tại 27 xã dự án và xét chọn các hộ dân có đủ điều kiện tham gia mô hình. Việc chọn hộ tham gia phải thông qua những tiêu chí: Nông dân tham gia mô hình là những hộ có bò cái trong độ tuổi phối giống, phải có chuồng trại và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Theo đó, trung tâm đã chọn được 356 hộ, là những hộ có ý thức trách nhiệm cao, ham học hỏi, chịu khó, nhiệt tình hỗ trợ cán bộ kỹ thuật của trung tâm thực hiện mô hình và tạo điều kiện các hộ dân khác ngoài mô hình tham quan học tập khi có yêu cầu. Đến nay, mô hình đã thực hiện phối giống tinh bò Braman chất lượng cao cho 500 con bò cái, trung bình 2 liều/con và tất cả đều cấn chửa, trong đó có 352 bò đã sinh bò con.

Theo chân đoàn cán bộ Ban điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình của anh Nguyễn Ngọc Thân (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn). Anh Thân hiện có 10 con bò nuôi gồm 8 con cái và 2 con đực, nhờ hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò đực giống của dự án, anh đã có 4 con bò lai giống Braman sinh ra, nuôi lớn và bán thịt năm ngoái với giá 18 triệu đồng/con. Anh cho biết, nếu so sánh với giống bò địa phương sinh sản tự nhiên, bò thụ tinh nhân tạo có giá chênh lệch cao hơn 5-7 triệu đồng/con sau cùng thời gian nuôi. Trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Thân chỉ là một trong hàng trăm thí dụ về thành công của mô hình. Trong thực tế, kết quả khảo sát của trung tâm cho thấy, bò con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đều có trọng lượng cao hơn từ 15-20% và có ngoại hình, thể chất đẹp hơn so với bò con sinh ra từ phối trực tiếp với bò đực địa phương; sau 1 năm tuổi sẽ có trọng lượng cao hơn từ 30-40% và giá bán cao hơn 6-7 triệu đồng/con.

Theo trung tâm, xét về hiệu quả kinh tế, áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sẽ giảm được chi phí nuôi và vận chuyển bò đực đến nơi phối giống, đồng thời khắc phục tình trạng chênh lệch về tầm vóc khi phối giống, hạn chế đồng huyết và tăng tốc độ cải tạo giống bò vàng địa phương. Về hiệu quả xã hội và môi trường, người nông dân tham gia mô hình sẽ được dự án trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò. Một số hộ nuôi còn tận dụng được phân bò để làm hầm biogas cung cấp chất đốt cho đun nấu, thắp sáng; sử dụng phân để nuôi trùn quế, làm phân bón cho cây trồng, hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu khí phát thải nhà kính. Trên hết là mô hình đã giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy nghề chăn nuôi bò phát triển.

Trước thực trạng chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh hiện nay khó phát triển đàn, có thể nói nhu cầu về cải tạo giống bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là rất cấp thiết nên việc triển khai mô hình được người dân hưởng ứng và ủng hộ. Điều này cũng có nghĩa là khả năng mở rộng của mô hình là tương đối cao. Vì vậy, trung tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, PCU hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện mô hình thụ tinh nhân tạo bò trong những năm tiếp theo tại địa phương.