Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã làm thay đổi tập quán sản xuất cũ của bà con nơi đây, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, theo Ban Phát triển xã Phước Kháng, để thôn Suối Le giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất thiết phải khai thác được lợi thế khu vực vùng núi phát triển chăn nuôi bò theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Qua khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên đặc thù khu vực miền núi, năm 2013, Ban Phát triển xã Phước Kháng đã vận động 10 hộ dân ở thôn Suối Le thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi bò để giúp đỡ nhau cùng phát triển. Sau khi được Dự án Hỗ trợ Tam nông hỗ trợ 10 con bò sinh sản vào tháng 8-2013, nhóm thống nhất áp dụng mô hình nuôi bò Heifer theo hình thức xoay vòng, nhằm tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi.
Đàn bò nuôi tại hộ anh Katơ Phướng phát triển tốt, đã sinh sản lứa đầu.
Nhờ tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trong điều kiện khô hạn, 5 hộ được nhận bò đợt đầu là Katơ Phướng, Katơ Trát, Katơ Sóc, Katơ Nhíp, Chamaléa Việc (mỗi hộ 2 con bò sinh sản) đã biết cách tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ vào mùa khô, nên bò phát triển nhanh. Lúc mới nhận bò giống của dự án cấp, trọng lượng bình quân mỗi con 129kg, đến nay sau hơn 2 năm chăm sóc, tăng lên gần gấp 3 lần. Đến thăm hộ chăn nuôi Katơ Phướng có 1 con bò mới đẻ lứa đầu, chúng tôi ghi nhận mô hình nuôi bò Heifer áp dụng ở thôn Suối Le đang được các hộ thực hiện đúng theo cam kết. Anh Phướng cho biết: Các hộ nhận bò giống đợt đầu có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, chịu các chi phí về chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y. Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày nhận, có trách nhiệm giao lại 2 con bò cái ban đầu cho hộ tiếp theo nuôi. Với đà phát triển của đàn bò như hiện nay, dự kiến đến cuối năm có thêm một hộ được nhận bò và đến cuối năm 2017, tất cả các thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi từ chương trình.
Theo anh Katơ Trát, Nhóm trưởng Nhóm cùng sở thích nuôi bò thôn Suối Le, mô hình nuôi bò Heifer đạt hiệu quả đó là nhờ cách thức tổ chức chăn thả hợp lý. Trước đây, do ảnh hưởng tập quán chăn nuôi quản canh, bò thả trên rừng tự do giao phối nên thường bị trùng huyết, chất lượng đàn giảm sút, bê con sinh ra còi cọc, chậm phát triển. Từ khi thực hiện mô hình nuôi bò Heifer, các thành viên đã tận dụng vùng đất quanh hồ Phước Nhơn trồng cỏ cung cấp thêm thức ăn cho bò, nên khả năng tăng đàn nhanh. Hiện tại, tổng số bò của các thành viên trong nhóm là vài chục con, dự kiến năm tới sẽ tăng lên gấp đôi. Để hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, mong muốn của nhóm là được hỗ trợ trồng cỏ tập trung trên quy mô lớn; đồng thời, xây dựng chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Anh Tùng