Tuấn Tú có diện tích tự nhiên 458ha, trong đó có 137ha đất canh tác, bao gồm 62ha ruộng lúa và còn lại là đất rẫy trồng chủ yếu các loại cây như: Đậu, bắp, cà rốt, hành, tỏi, măng tây xanh… Ngoài trồng trọt, người dân thôn Tuấn Tú còn chăn nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống, đặc biệt gần đây dê được chú trọng tăng đàn nuôi. Để phát triển chuỗi giá trị dê, dưới sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Phước và Ban Phát triển xã An Hải, tháng 5-2014, CIG chăn nuôi dê sinh sản thôn Tuấn Tú được thành lập gồm 16 hộ thành viên, trong đó có 9 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo, do anh Từ Công Ý làm nhóm trưởng.
Anh Từ Công Ý chăm sóc dê nuôi.
Sau khi chính thức hoạt động, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ nguồn vốn CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), đã có 18 con dê (2 dê đực và 16 dê cái) được chuyển giao cho tổ. Tham gia mô hình, mỗi hộ nông dân được chuyển giao 1 dê cái để nuôi, riêng 2 dê đực do CIG quản lý nuôi chung làm giống. Ngoài ra, Quỹ CDF còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu, đá liếm bổ sung chất khoáng và vật liệu cho các hộ trong CIG nuôi dê ở thôn Tuấn Tú làm 16 chuồng nuôi. Đặc biệt, Quỹ CDF đã giúp giống cho mỗi hộ trồng trung bình 1 sào cỏ phục vụ chăn nuôi.
Nhìn tổng thể, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc có sừng nói chung và nuôi dê nói riêng, Tuấn Tú có ưu thế vì đa số người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, có đủ đất để chủ động trồng cỏ, đặc biệt là biết tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ lá các cây hoa màu khác. Theo anh Từ Công Ý, nhờ trong tổ có 2 hộ thành viên đều là người chăn nuôi dê lâu năm có sẵn bầy đàn, có đất trồng cỏ lớn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nên các hộ nghèo, cận nghèo đã nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật chăm sóc dê. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các hộ thành viên còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng gia súc, cách thức buôn bán thông qua tổ… Đến nay, tất cả số dê nuôi của tổ nhóm đã sinh sản được dê con, trong đó có hộ đã gầy được đàn từ 3-4 con như các hộ: Từ Công Ý, Kiều Thị Đàng, Kiều Thị Tiểu, Não Thị Bích và Thị Ốc. Theo các hộ thành viên, chỉ một thời gian nữa là đàn dê của tổ nhóm còn tăng lên gấp đôi. Đây là cơ sở để khẳng định vùng đất cát này hoàn toàn thích hợp cho nghề nuôi dê sinh sản phát triển mạnh.
Qua hoạt động của CIG nuôi dê thôn Tuấn Tú, điểm đáng chú ý là trong tổng số thành viên có đến 10 hộ do phụ nữ đứng tên làm chủ hộ. Anh Từ Công Ý cho biết: “Dự án nuôi dê sinh sản giúp việc hưởng lợi nhanh chóng hơn, nhất là tạo việc làm, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho các phụ nữ nghèo trong thôn”. Tuy thời gian còn quá ngắn để chứng minh tính hiệu quả, song qua thực tế phát triển đã cho thấy chăn nuôi dê vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn từ cỏ trồng và phụ phẩm cây màu để nuôi. Đặc biệt thông qua tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông, CIG chăn nuôi dê sinh sản thôn Tuấn Tú sẽ có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, biết cách làm ăn theo tổ nhóm, tiến tới liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Vân Tuyền