Phối hợp Hội ND các huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, Tổ chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn 6 xã điểm thực hiện dự án với tổng kinh phí 992, 71 triệu đồng, trong đó vốn của Dự án Hỗ trợ Tam nông là 938, 419 triệu đồng, vốn đối ứng là 54, 291 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn xây dựng thương hiệu tỏi cho nông
dân các nhóm cùng sở thích.
Để xây dựng nhóm ND nòng cốt (nhóm cùng sở thích), Tổ chỉ đạo thực hiện dự án của Hội ND tỉnh đã thành lập được 6 nhóm cùng sở thích (38 thành viên) bao gồm: 1 nhóm nuôi heo đen, 3 nhóm nuôi bò vỗ béo, 1 nhóm nuôi dê vỗ béo và 1 nhóm nuôi cừu vỗ béo. Tương ứng với nhóm, Tổ chỉ đạo thực hiện dự án đã xây dựng 6 mô hình điểm sản xuất cây con phù hợp với người nghèo. Cụ thể nuôi heo đen có 1 mô hình ở thôn Đá Mài Trên (xã Phước Kháng, Thuận Bắc), với 9 thành viên là người dân tộc Raglai tham gia. Nuôi bò vỗ béo có 3 mô hình: Một mô hình tại thôn Kiền Kiền (xã Lợi Hải, Thuận Bắc) có 5 thành viên (dân tộc Raglai và Kinh); 1 mô hình ở thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) có 5 thành viên là người dân tộc Raglai và 1 mô hình tại thôn Gò Sạn (xã Tân Hải, Ninh Hải) có 5 thành viên người Kinh. Nuôi cừu vỗ béo có một mô hình với 7 thành viên tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải và nuôi dê vỗ béo có một mô hình với 7 thành viên ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải đều thuộc huyện Ninh Hải.
Sau thời gian thực hiện, Hội ND tỉnh đã tổng kết đánh giá kết quả thực hiện 6 mô hình tại các địa phương nói trên. Về 3 mô hình nuôi bò vỗ béo đều được các bên liên quan thực thi dự án đánh giá đạt hiệu quả cao, đàn bò 15 con tăng trọng và phát triển ổn định, không thất thoát; một số con đã trưởng thành, đã phát dục và được phối giống, ước tính mỗi con bò có giá từ 20-22 triệu đồng, trừ chi phí mỗi hộ có lãi từ 6-8 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi cừu vỗ béo (các hộ đều chọn cừu cái) đã đem lại hiệu quả khá, nếu tính giá trị theo giá thị trường hiện tại (giá cừu sinh sản) sẽ cho thu nhập bình quân cho mỗi hộ đạt 18- 20 triệu đồng; hiện tại có khoảng 15/37 con đã phát dục, được phối giống (hộ dân tự góp vốn mua cừu đực giống để phối giống). Mô hình nuôi dê vỗ béo cũng được đánh giá đạt hiệu quả, nếu tính theo giá thị trường sẽ cho thu nhập bình quân cho mỗi hộ 10-18 triệu đồng; hiện tại có 16/26 con đã phát dục. Đánh giá đạt kết quả tốt còn có cả mô hình nuôi heo đen đang được địa phương nhân rộng; các hộ nuôi đã bán 36 con với số tiền 21,6 triệu đồng, ngoài 29 con để lại làm giống (có 1 con nái đã đẻ 6 con), mỗi hộ còn mua thêm 10 con để duy trì và phát triển mô hình. Nhìn chung các mô hình đạt kết quả tốt, đã giúp các nông dân, nhất là nông dân nghèo và nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững và thực hiện đúng các kỹ thuật chuyên môn về chăn nuôi.
Theo anh Nguyễn Văn Tính, cán bộ chuyên trách Tổ chỉ đạo thực hiện dự án, trong năm nay Hội ND tỉnh triển khai 4 hoạt động với kinh phí 150 triệu đồng. Các hoạt động tập trung vào việc tập huấn về qui định sử dụng nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” cho người dân trong và ngoài vùng dự án, doanh nghiệp, cơ sở thu mua…; hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ táo, tỏi cho người trồng; đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nhãn hiệu tập thể. Qua đó xác định mối quan hệ giữa người sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng tại địa phương, đồng thời kết nối nông dân với doanh nghiệp, cơ sở thu mua để tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Ngày 2-7, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức tập huấn quy định sử dụng nhãn hiệu tập thể Tỏi Phan Rang cho 65 cán bộ, nông dân, doanh nghiệp, cơ sở thu mua thuộc địa bàn các xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải, Thanh Hải (Ninh Hải); An Hải (Ninh Phước); Văn Hải, Mỹ Bình, Phước Mỹ (Phan Rang-Tháp Chàm).
Trong thời gian 2 ngày, các học viên được tập huấn các nội dung: Vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân trong xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể Tỏi Phan Rang; Quản lý việc sử dụng, xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Tỏi Phan Rang…
Bạch Thương- Phạm Lâm