DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hỗ trợ phát triển nhóm trồng táo ở Mỹ Sơn

(NTO) Mỹ Sơn là một trong 6 xã của huyện Ninh Sơn được hưởng lợi từ chương trình Dự án Hỗ trợ Tam nông của tỉnh. Địa phương hiện có trên 2.400 hộ dân sinh sống tại 6 thôn với nghề nông là chủ yếu. Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, đến nay các nhóm chung sở thích tại địa phương đã cơ bản đi vào hoạt động theo kế hoạch. Trong đó, nhóm trồng táo bước đầu đã nhận được những hỗ trợ nhất định và mang lại kết quả khả quan.

Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Qua định hướng của Dasu huyện, trong năm 2013 địa phương đã thành lập được 6 nhóm đồng sở thích gồm: 5 nhóm chăn nuôi bò và 1 nhóm trồng táo. Theo đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban phát triển xã, ngoài thế mạnh chăn nuôi và một số cây trồng như bắp lai, đậu… thì trước đây cây táo cũng rất phát triển tại địa phương.

Phát triển nhóm trồng táo ở thôn Nha Húi.

Tuy nhiên, do thiếu định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên diện tích ngày càng bị thu hẹp, hiện toàn xã chỉ còn khoảng dưới 8 ha. Việc thành lập nhóm trồng táo để phát triển lâu dài là hướng đi phù hợp vì cây trồng này không xa lạ với người dân nơi đây. Theo đó, tháng 9-2013, địa phương thành lập thêm một nhóm trồng táo tại thôn Nha Húi, với 5 thành viên (chủ yếu là hộ nghèo). Qua gần 8 tháng đi vào hoạt động và nhận được hỗ trợ từ Dự án Tam nông, nhóm trồng táo tại địa phương được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất. Hiện 1,7 ha táo, của các thành viên trong nhóm đang phát triển tốt.

Ông Nguyễn Canh, Nhóm trưởng nhóm trồng táo thôn Nha Húi cho biết: Đa phần bà con trong thôn đều có thâm niên trồng táo lâu năm nên ít nhiều cũng có chút kinh nghiệm từ trước. Vừa qua, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng táo do DASU huyện tổ chức nên các phương pháp và quy trình phát triển cây táo đã được các thành viên nắm bắt cơ bản và ứng dụng khá hiệu quả.

Được biết, để tạo điều kiện cho nhóm trồng táo có điều kiện phát triển và nhân rộng diện tích, vừa qua Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã hỗ trợ cho các thành viên trong nhóm một số vật phẩm gồm: phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc nấm, thuốc đuổi ruồi vàng để thí điểm mô hình trồng táo theo phương pháp an toàn. Qua hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các diện tích thí điểm được các thành viên chăm sóc khá tốt và cây cũng đạt tỷ lệ sinh trưởng cao, tỷ lệ ruồi vàng và sâu bệnh hạn chế rõ rệt.

Hiệu quả từ mô hình nói trên là khá rõ, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiệu quả của cây táo tuy lớn, nhưng mức đầu tư cho cây trồng này cao, thời gian cho thu hoạch lại dài (đầu từ khoảng 30 triệu đồng/sào, cây trồng sau gần một năm mới cho thu hoạch) nên hộ nghèo sẽ gặp khó khăn về vốn khi chuyển đổi sang trồng táo. Vì vậy chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư cho cây táo; chủ động liên kết với doanh nghiệp tìm thị trường ổn định cho sản phẩm, có như vậy việc phát triển các chuỗi giá trị mới đạt hiệu quả bền vững dài lâu.