Phước Chiến có diện tích tự nhiên 4.396,7 ha, trong đó 86% là rừng và đất rừng; 850 ha diện tích đất nông nghiệp bao gồm cả các nương rẫy xa rải rác, còn thực tế đất canh tác có thể dẫn nước hoặc bơm tưới được chỉ khoảng trên 200 ha, trong đó có 25 ha ruộng lúa 2-3 vụ (năng suất bình quân 5 tấn/ ha).
Hạ tầng giao thông Phước Chiến được đầu tư hoàn chỉnh.
Chỉ về hướng cánh đồng lúa vụ đông-xuân, anh Phạm Văn Luyện, Phó chủ tịch UBND xã Phước Chiến hồ hởi nói: Thành quả trước hết từ các mô hình thâm canh lúa nước là đã giúp chuyển đổi nhận thức, bây giờ bà con đã biết theo nước, bón phân, xuống giống đồng loạt đúng thời vụ để tránh sâu bệnh. Từ khởi đầu cây lúa nước, nhiều mô hình sản xuất mới qua đầu tư của các chương trình, dự án về nông nghiệp đã giúp người dân Phước Chiến tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài 100 ha bắp (sản lượng 207 tấn), 64 ha rau đậu các loại, nông dân Phước Chiến còn trồng 60 ha mía và 128 ha khoai mì đang thu hoạch đạt năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, 10 ha khoai mì trồng mới được chăm sóc phát triển tốt.
Từ cây mía đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân Raglai biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đất đai, vươn lên làm giàu, chẳng hạn ở thôn Tập Lá có anh Chamaléa Xưa nhờ mía đã xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Khác với cây mía đang được trồng nhiều nơi trong xã, cây khoai mì tập trung trồng nhiều nhất tại thôn Ma Trai. Một cán bộ thôn Ma Trai khẳng định: Trước đây có hàng chục hộ dân trong thôn trồng neem, điều đã thu nhập khá, nay có thêm mía và khoai mì đang tạo điều kiện cho nông dân cải thiện cuộc sống. Được biết ở Ma Trai có nhiều nông dân nhờ cần cù làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên khá giả hẳn lên, điển hình như các nông dân Mấu Văn Vớ, Ka-tơ Lốc. Điều đáng chú ý là Phước Chiến còn có một số vườn cây ăn trái rợp bóng mát, bình quân mỗi hộ dân Raglai trong xã có 0,3 ha vườn trồng chuối, đu đủ, xoài, mít, mãng cầu… Chị Pi-năng Thị Niệm ở thôn Tập Lá, chủ một vườn cây diện tích 2 sào nói: Vườn nhà tôi chỉ trồng chủ yếu là chuối vì nó rất thích hợp, hàng năm có thể thu được khoảng gần 10 triệu đồng tiền bán chuối. Dù giá trị kinh tế không cao nhưng vườn cây ăn trái cũng góp phần phụ trợ thêm thu nhập cho người dân bản địa. Do đặc điểm là miền núi nên Phước Chiến có thêm thế mạnh về chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, hầu hết mỗi hộ đều nuôi 2- 3 con gia súc, hiện tổng đàn gia súc có sừng của toàn xã gồm gần 3.000 con trâu, bò và trên 1.500 con dê. Trong thực tế, những hộ thoát nghèo hoặc khá giả lên đều xuất phát từ chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi bò đàn.
Anh Chamaléa Xưa, nông dân điển hình ở xã Phước Chiến
vươn lên nhờ trồng mía
Sản xuất phát triển, bộ mặt đời sống nông thôn cũng theo đó thay đổi. Trong 985 hộ dân, với 4.453 khẩu toàn xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, Phước Chiến hiện có 40 hộ kinh doanh thương mại và 150 hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Sinh hoạt của người dân đang “đô thị hóa” dần, việc sử dụng điện thoại bàn, điện thoại di động, phương tiện xe máy, ti-vi trở nên phổ biến và gần như 100% hộ có nhà xây khang trang nhờ nguồn vốn từ các Chương trình hỗ trợ. Trên vùng đất từng là chiến trường xưa bây giờ có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, rõ nét nhất là con đường bê-tông nhựa chạy ngang dọc trong thôn Ma Trai. Vừa qua, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, Phước Chiến đã có ngôi chợ mới khang trang và trạm Y tế được chỉnh trang tường rào đẹp hơn. Đi từ thôn Tập Lá qua thôn Động Thông, tôi phát hiện có thêm các trục đường mới được Dự án Hỗ trợ tam nông đầu tư nâng cấp như: Đường giao thông nội đồng Tập Lá-Suối Nguồn, đường nội đồng phía nam thôn Động Thông ra vùng sản xuất. Hệ thống kênh tưới nhỏ dài 930 m của xứ đồng Đầu Suối A cũng đã được kiên cố hóa, thuận tiện cho việc dẫn nước tưới.
Từ sau khi hình thành khu tái định cư để xây dựng công trình thủy lợi hồ Sông Trâu, bộ mặt nông thôn miền núi Phước Chiến đã hoàn toàn đổi mới. Tuy nhiên qua ghi nhận của tôi, vấn đề căn cơ hiện nay là Phước Chiến phải phát triển sản xuất, nâng mức sống người dân. Theo anh Phạm Văn Luyện, muốn vậy điều cần thiết nhất là phải tạo thêm quỹ đất sản xuất, trước mắt Phước Chiến kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng các đập dâng ở Động Thông và Tập Lá để mở rộng diện tích trồng lúa nước ở vùng suối Nguồn, suối Sừng Trâu. Phát triển sản xuất là tiền đề cho xã miền núi Phước Chiến phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ phát triển xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương