Kết quả bước đầu Hà Nội có hơn 151 nghìn ha đất nông nghiệp. Trước đây, do quan niệm của người dân, khi giao đất phải công bằng, cho nên ruộng đất giao cho các hộ gia đình rất phân tán, manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ có tới 10 đến 12 thửa, có nhà có tới 30 đến 40 thửa, diện tích mỗi thửa chỉ khoảng vài chục m2, thậm chí có thửa chỉ từ 5 đến 7m2. Ruộng đất manh mún gây khó khăn cho xây dựng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Bà con nông dân xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chăm sóc lúa. Ảnh: Nguyễn Đăng
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, trong những năm gần đây, thành phố tập trung triển khai dồn điền đổi thửa. Tại những vùng đã thực hiện dồn điền đổi thửa thành công, nông dân rất phấn khởi trước những hiệu quả đã đạt được. Xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) thực hiện việc dồn ruộng từ năm 2003, từ chỗ mỗi hộ có tới bảy, tám mảnh, nay chỉ còn bình quân một đến hai mảnh. Bà Dương Thị Thơ, một nông dân cho biết: Trước năm 2003, khi chưa thực hiện việc dồn ô, đổi thửa ở xã, gia đình bà có hơn chục mảnh, nay chỉ còn lại hai mảnh nên mỗi khi ra đồng chăm bón lúa, hoa màu rất tiện, không phải chịu cảnh "lắt nhắt" chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo". Ngay trong mỗi vụ sản xuất, gia đình bà cũng tiết kiệm được công gieo cấy, lượng giống chi phí cũng ít hơn vì ruộng rộng, có thể thuê máy vào làm.
Ở xã Ðại Áng (huyện Thanh Trì), ngay trong vụ xuân năm nay, với 24 ha được chọn thí điểm dồn điền đổi thửa và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, bà con nông dân từ chỗ còn e ngại ban đầu, giờ đã nhận rõ lợi ích của việc dồn đổi ruộng để tạo thành vùng sản xuất lớn. Ông Nguyễn Thanh Giản ở thôn Vĩnh Trung, xã Ðại Áng chia sẻ: Những năm trước, từng hộ nông dân ở thôn Vĩnh Trung cũng như xã Ðại Áng, khi đến vụ đều phải thuê máy với giá rất cao từ nơi khác về để làm đất hoặc thuê cấy rất vất vả, vừa không bảo đảm khung thời vụ, vừa phải chịu chi phí sản xuất khá cao. Nay, với mô hình dồn điền đổi thửa và liên kết, cơ giới hóa đồng bộ, chúng tôi tiết kiệm được hơn 200 nghìn đồng chi phí sản xuất trên mỗi sào lúa, tránh bị sức ép về lao động khi mùa vụ đến. Chưa kể, với đà lúa đang sinh trưởng tốt như hiện nay, dự đoán, năng suất lúa sẽ cao hơn hẳn so làm ruộng manh mún trước kia, do được làm cỏ, phun thuốc trừ sâu đồng loạt, thu hoạch bằng máy, nhanh, gọn và đỡ thất thoát hơn...
Cần giải pháp đồng bộ
Cho đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa được gần 42 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt 26,49% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ðông Anh, Thanh Oai... đã thực hiện dồn điền đổi thửa được từ 50% đến hơn 65% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; góp phần hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiệm vụ đặt ra trong năm nay hoàn thành dồn điền đổi thửa 113 nghìn ha còn lại là khá nặng nề. Ðó là chưa kể tới những khó khăn đặc thù ở các huyện ven đô như: Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, là các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, cho nên một bộ phận người dân có tư tưởng chờ dự án để hưởng đền bù giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết: Ðể thực hiện thành công công việc này, các địa phương, các ngành, đoàn thể đều phải vào cuộc và nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Việc cần làm đầu tiên, đó là tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của chính bà con nông dân trên địa bàn. Quá trình triển khai ở từng địa phương phải được thực hiện dân chủ, để dân bàn bạc, để dân tự thỏa thuận với nhau theo quy hoạch phù hợp. Muốn thực hiện tốt điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương cần chú trọng khâu tuyên truyền hơn nữa để bà con nông dân hiểu rõ hơn những lợi ích từ việc dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, dồn điền đổi thửa phải đi đôi với việc kiện toàn lại hệ thống các hợp tác xã nông nghiệp để có được các tổ dịch vụ đảm nhận tốt các khâu trong quá trình sản xuất cho cả vùng chuyên canh như làm đất, gieo hạt, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. Theo kinh nghiệm của huyện Sóc Sơn, quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa ở các xã Mai Ðình, Tân Hưng, Minh Trí.., gắn liền với việc củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã thật sự thành công. Cùng với vận động người dân dồn ô, phá bỏ bờ bao ngăn cách giữa các ruộng, chính quyền, hợp tác xã nhanh chóng cùng với doanh nghiệp đưa máy móc vào đồng ruộng, đảm nhiệm nhiều khâu sản xuất vốn lâu nay chỉ dựa vào sức người, như làm đất, cấy lúa và hình thành các vùng sản xuất chuyên một giống lúa hay rau màu có giá trị kinh tế cao, giúp người dân thấy hiệu quả to lớn từ việc dồn điền đổi thửa.
Nguồn Báo Nhân Dân