Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới

Quảng Trị là một tỉnh không thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện khí hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật nhìn chung còn thiếu, trình độ phát triển hiện còn thấp so với bình quân cả nước; số lượng gia đình chính sách xã hội tương đối đông…Để có bước phát triển nhanh, bền vững, hiện nay tỉnh đang cố gắng hoạch định và thực thi nhiều chính sách kinh tế- xã hội mang tính bứt phá.

Trong nông nghiệp và nông thôn, là một tỉnh nông nghiệp, các cơ quan hoạch định chính sách đang tìm tòi mô hình phát triển nông thôn thật sự phù hợp, có khả năng đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế- xã hội, phát huy được truyền thống lịch sử văn hoá, thích ứng nhanh với những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước và nông nghiệp nông thôn…

 
Xây dựng kênh mương ở Triệu Phong - Ảnh: Trà Thiết

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 25 năm qua đã mang lại cho đất nước những biến đổi hết sức sâu sắc, trên nhiều lĩnh vực, trong đó, đổi mới trong nông nghiệp được coi là bước khởi đầu của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta. Từ một nền nông nghiệp quản lý theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, cơ chế kinh tế mới bước đầu hình thành tương đối phù hợp, nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Thành tựu lớn nhất do công cuộc đổi mới đem lại là trao cho nông dân quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất, mua bán sản phẩm.

Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nông thôn hiện đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề như: quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp; khả năng hợp tác, liên kết, cạnh tranh yếu, chuyển dịch cơ cấu chậm; tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động là phổ biến, ô nhiễm môi trường sản xuất và sinh hoạt ngày càng nặng nề...

Những khó khăn, vướng mắc trên chính là những thách thức xuất hiện trong giai đoạn mới của quá trình phát triển kinh tế dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa.

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, từng bước CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn rất cần có sự nỗ lực lớn, ý chí quyết tâm cao, đặc biệt có chiến lược chuyển đổi căn bản mô hình nông nghiệp, nông thôn cũ một cách mạnh mẽ. Do đó cần nhận thức đầy đủ những thách thức trong phát triển nông thôn Quảng Trị hiện nay là: Xuất phát điểm của nông thôn thấp; đầu tư, quản lý của nhà nước cho nông nghiệp lại chưa thỏa đáng; quá trình CNH, HĐH còn nhiều bất cập chưa phục vụ sát thực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông thôn theo mô hình nào?

Vai trò của nông thôn mới trong việc đáp ứng quyền lợi của nông dân ra sao? Điều cần xác định nhất hiện nay là cụ thể hoá chiến lược và chính sách xây dựng, phát triển nông thôn mới, lựa chọn ưu tiên lĩnh vực đầu tư, giải pháp xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá- xã hội. Các mối quan hệ với các chính sách như thế nào?

Để làm được điều đó, không chỉ cần quyết tâm mà vấn đề là tầm nhìn, đổi mới mạnh dạn cách nghĩ, hoạch định chính sách. Xây dựng mô hình nông thôn mới chuyển đổi kinh tế nông nghiệp một cách căn bản; tổ chức lại sản xuất, trên cơ sở kinh tế hộ, vừa linh hoạt, “tư duy mở”, “cơ chế mở”, “cách làm mở”, phát huy nhân tố con người và giải phóng năng lực tại chỗ, đồng thời thu hút mọi nguồn lực, sử dụng sức mạnh tổng hợp, năng động với kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đặc biệt nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống người dân, yêu cầu của chiến lược xây dựng tỉnh Quảng Trị tương xứng vị thế tiềm năng của một tỉnh trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung,… thúc đẩy việc hình thành chính sách xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị mà trọng tâm là phải đẩy mạnh nông nghiệp nông thôn, quy hoạch phát triển nông thôn Quảng Trị theo hướng sinh thái, văn hoá, công nghệ cao và công nghiệp sạch của mô hình nông thôn mới.

Để đạt được điều đó, cơ sở hạ tầng nông thôn phải được hiện đại, trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật và tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc, điều kiện chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân nông thôn ngày càng tốt hơn.

Hình thức sở hữu đa dạng, trong đó chú ý xây dựng mới các tổ hợp tác, HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, vừa chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động tín dụng, thương mại và các dịch vụ mà xã viên có nhu cầu.

Dân chủ cơ sở phát huy tối đa và toàn diện nhằm tạo động lực, kích thích tinh thần tự do sáng tạo làm giàu cho bản thân gia đình và quê hương, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền. Tôn trọng hoạt động của các hội đoàn thể, các nghiệp đoàn, các tổ chức hiệp hội phù hợp với quy định của pháp luật, vì lợi ích cộng đồng, nhằm huy động tổng lực vào xây dựng nông thôn mới.

Có môi trường thuận lợi để hình thành xã hội công dân. Trong đó, vai trò tự chủ của các tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trong thôn, bản, hiểu rõ và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng: tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng, gắn bó với quê hương, sự tương trợ lẫn nhau, giúp nhau làm kinh tế để vươn lên làm giàu cần được phát huy nhằm xây dựng nền văn hoá mới, con người mới.

Nông thôn mới còn là xã hội đề cao việc chăm lo bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết là phụ nữ trẻ em và người già, người lao động. Thực hiện tốt Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài, học sinh nghèo vượt khó, phát triển và nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh xã hội học tập.

Xây dựng nhân vật trung tâm của mô hình nông thôn mới đó là nông dân sản xuất hàng hoá khá giả, giàu có, là người nông dân kết tinh các tư cách: công dân, người dân của làng, người con của các dòng họ, gia đình. Có kế hoạch, chương trình, lộ trình xây dựng người nông dân nông thôn thành người nông dân sản xuất hàng hoá trong kinh tế thị trường thành nhân vật trung tâm và đặt họ thành người quyết định thành công của mọi cải cách ở khu vực nông thôn để giúp bà con hội nhập vững vàng.

Môi trường, du lịch sinh thái phải được bảo tồn xây dựng, củng cố, bảo vệ. Bảo vệ rừng đầu nguồn, chống ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí và nước thải từ các khu công nghiệp để nông thôn phát triển bền vững.

Các nội dung trên trong cấu trúc mô hình nông thôn mới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức điều hành quá trình hoạch định chính sách, xây dựng đề án, cơ chế, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tạo điều kiện, kích thích tinh thần. Nhân dân tự nguyện tham gia chủ động trong mọi vấn đề chính sách. Trên tinh thần đó, các chính sách kinh tế-xã hội ra đời tạo hiệu ứng tổng thể nhằm xây dựng mô hình nông thôn mới ở tỉnh Quảng Trị.

Nguồn Báo Quảng Trị