Là xã xa nhất của Ninh Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 25 km, Ma Nới có diện tích tự nhiên hơn 25.500 ha, phần lớn là đồi núi và đất rừng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ma Nới được biết đến với tên gọi chiến khu Anh Dũng, có cơ quan Tỉnh ủy đóng (từ năm 1961) nên là nơi tập trung đánh phá của địch, chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng là nơi lập nhiều chiến công hiển hách. Ký ức về một xã vùng cao xa xôi, nghèo khó trong tôi tan biến bởi giờ đây đường vào chiến khu xưa quá thuận lợi. Dạo quanh trên địa bàn xã, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống đổi thay của đồng bào dân tộc Raglai nơi đây. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ trước kia. Sau bao năm nỗ lực vươn lên, nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, giờ đây Ma Nới đã khang trang hơn, đời sống của đồng bào địa phương được cải thiện đáng kể.
Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới, cho biết: Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới đã khoác lên “chiếc áo mới” làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Các công trình điện, đường, trường, trạm… ngày càng được chú trọng đầu tư nâng cấp. Giờ đây, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống bà con cũng được no ấm và sung túc hơn. Từ chỗ chỉ biết trồng bắp, khoai mỳ, lúa cạn trên nương rẫy; đến nay, người dân Ma Nới đã canh tác được 70 ha ruộng lúa nước 2 vụ ăn chắc và trồng phổ biến giống đậu xanh cao sản, bắp lai, thay thế nhiều giống cây trồng mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập…Bên cạnh trồng trọt, tận dụng điều kiện tự nhiên của đồng cỏ dưới tán rừng, người dân Ma Nới đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo thống kê, đàn gia súc của xã có gần 2.400 con. Nuôi bò đang là một trong những giải pháp chăn nuôi hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Ông Chamalé Phước ở thôn Do có hơn 10 con bò, khẳng định: Phát triển chăn nuôi được coi là kinh tế chủ lực của địa phương, bất cứ người dân Ma Nới nào có đời sống kinh tế ổn định, nhà cửa khang trang, có xe máy đi cũng đều nhờ nuôi bò tích lũy mà ra.
Người dân thôn Gia Rót (xã Ma Nới) chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh Văn Nỷ.
Cùng với phát triển kinh tế, nhận thức của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động như: Hộ ông K’ho Thiếu, bà Katơr Thị Kiên, ở thôn Gia Rót, hiến hơn 100 m2 đất làm đường nội thôn…. Đang phơi bắp trước sân nhà, chị Dơ Ngó Bông, thôn Ú, tâm sự: Ngày xưa trồng lúa, bắp phải đợi mưa rồi mới xuống giống, nay đã có kênh mương chủ động được nước sản xuất. Đường giao thông cũng được đầu tư nên rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán. Trồng được bắp, lúa bà con không còn trao đổi qua lại với nhau nữa, bởi nay đã có thương lái đến thu mua tận nhà nên bà con phấn khởi lắm.
Ông Nghiêm Văn Vinh cho biết thêm: Hạ tầng nông thôn phát triển đã giúp Ma Nới mang diện mạo mới; hệ thống kết cấu hạ tầng về y tế, trường học, nước sạch, đường giao thông được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, song đã xuất hiện nhiều nhân tố mới trong sản xuất phát triển kinh tế, dần ổn định cuộc sống.
Vượt qua khó khăn, phấn khởi với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Ma Nới tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đồng bào nơi đây sẽ nỗ lực hết mình hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương giàu truyền thống cách mạng ngày càng giàu đẹp.
Trần Phương