* Cuba vững bước trên con đường phát triển
Nằm ở vùng biển Caribe, Cuba là quốc gia với hơn 1.600 đảo; có diện tích khoảng 113.500 km2; dân số hơn 11 triệu người; khoáng sản phong phú, đất đai màu mỡ thích hợp cho canh tác và chăn nuôi đại gia súc; cùng nhiều điều kiện tự nhiên và văn hóa để phát triển ngành du lịch. Nhiều năm trước, “Hòn đảo Tự do” gặp nhiều khó khăn do chính sách cấm vận kinh tế mà Mỹ đơn phương áp đặt.
Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba tháng 4-2011 ghi dấu mốc quan trọng, khi thông qua đường lối phát triển mới của đất nước, với tiến trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế”, nhằm giữ vững và phát huy thành tựu cách mạng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống của người dân. Tháng 4-2016, Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba thông qua dự thảo Khái niệm Mô hình phát triển kinh tế - xã hội Cuba xã hội chủ nghĩa và khẳng định tiếp tục tiến trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế”.
Gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tiêu cực tới Cuba. Tuy nhiên, nền kinh tế Cuba đã phục hồi trong năm 2017 với mức tăng trưởng nhẹ 0,5% sau khi bị suy giảm 0,9% vào năm 2016. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự báo trong năm 2018, “hòn đảo tự do” sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ khoảng 1%. Động lực chính giúp Cuba đạt được kết quả tăng trưởng trên là mức tăng trưởng 2 con số của ngành du lịch với số lượng du khách quốc tế dự kiến đạt mức 4,7 triệu lượt người vào cuối năm 2018.
Hiện nay, Cuba đang thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực tham gia, đóng góp vào công việc chung của thế giới. Dù khó khăn về kinh tế, Cuba vẫn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng hỗ trợ các nước bạn bè, nhất là về nhân lực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục… Cuba đã khôi phục quan hệ ngoại giao và duy trì đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước còn gian nan, khi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chống Cuba vẫn còn hiệu lực. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc trong 25 năm liên tiếp gần đây thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba thể hiện sự ủng hộ rất cao của cộng đồng quốc tế dành cho Cuba, tiếp thêm sức mạnh để “quốc đảo Caribe” tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.
* Quan hệ Việt Nam - Cuba: Biểu tượng của thời đại
Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2-12-1960, đã mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông - Tây của địa cầu. Sự kiện này diễn ra như một tất yếu lịch sử, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phán ánh tính hiện thực của chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mối quan hệ giữa hai nước không chỉ được vun đắp từ sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà ngay cả mỗi người dân Việt Nam, Cuba đều là những người xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này. Từ những sinh viên, kỹ sư xây dựng cho đến những nhà ngoại giao, bác sĩ… Chính họ đã viết nên những trang sử đẹp trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hai nước đã luôn kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Ngày nay, hai nước luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em luôn sát cánh và dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, có hiệu quả cả tinh thần và vật chất. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu của những người đồng chí, anh em Cuba thực sự là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho toàn quân, toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước.
Với Cuba, thời kỳ 1990, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước bước vào "thời kỳ đặc biệt trong hòa bình," giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba anh em sự ủng hộ hết lòng, góp phần khiêm tốn cùng bạn vượt qua khó khăn như tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng hành động nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em.
* Nâng tầm quan hệ chính trị đặc biệt Việt Nam - Cuba
Trải qua 58 năm, dù tình hình thế giới có nhiều thách thức, thăng trầm, song mối quan hệ đoàn kết, anh em giữa Việt Nam-Cuba do hai nhà lãnh đạo Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngày càng được củng cố và phát triển, gắn bó khăng khít trên nhiều lĩnh vực. Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng và Nhà nước, Chính phủ vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau, để từ đó hiểu nhau hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng cho đến thương mại, đầu tư. Gần đây nhất là các chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11-2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Lễ tưởng niệm Lãnh tụ Fidel Castro tại La Habana (11-2016) và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández (6-2017)… Không chỉ ở cấp Nhà nước, những năm qua, nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của hai nước cũng thường xuyên duy trì sự hợp tác chặt chẽ với nhiều hoạt động hợp tác sôi động.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có nhiều phát triển. Năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 249,8 triệu USD, tăng 14,6% so với năm 2015 (đạt 218 triệu USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 244,8 triệu USD, tăng 14,1% và nhập khẩu 5 triệu USD, tăng 38,9% so với năm 2015.
Năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều đạt 224,3 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ, trong đó Việt Nam xuất khẩu 217 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu 7,3 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2016. Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước khá ổn định, gồm có: lương thực, thực phẩm, gia vị, vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép, vắc xin-dược phẩm... Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là: gạo, cà phê, sản phẩm hoá chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng…Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Cuba chủ yếu là vắcxin và dược phẩm.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, gạo tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch cao nhất, chiếm xấp xỉ hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Đây là thị trường xuất khẩu gạo quen thuộc của Việt Nam với khối lượng xuất khẩu khoảng 350- 400 ngàn tấn/năm. Nhu cầu tiêu dùng gạo của cả nước Cuba khoảng 600.000 tấn/năm.
Trên lĩnh vực hợp tác thương mại, hai bên đang tiến hành đàm phán nhằm đi tới ký kết Hiệp định thương mại mới Việt Nam - Cuba vào thời gian sớm nhất. Khi được ký kết, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích thực chất cho hai nước, đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Cuba lên ngang tầm quan hệ chính trị đặc biệt sẵn có. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng kim mạch thương mại hai chiều lên mức 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới.
Tại buổi tiếp Đại sứ Cuba Lianys Torres Rivera đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam tháng 1-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “2018 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Cuba, đặc biệt là hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày Tổng Tư lệnh Phidel Castro lần đầu thăm Việt Nam và đến vùng mới giải phóng Quảng Trị (9-1973 - 9-2018); cho rằng đây là dịp để hai Đảng, hai nước tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ và nhân dân hai nước về quan hệ anh em đặc biệt Việt Nam - Cuba”.
Có thể thấy rằng, quan hệ Việt Nam - Cuba xứng đáng là mẫu mực và tấm gương đã được thể hiện và thử thách qua nhiều thời kỳ, năm tháng lịch sử; trở thành niềm tự hào của nhân dân hai nước. Mặc dù trước mắt, sự nghiệp đổi mới, cải cách và xây dựng chủ nghĩa xã hội còn phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách, mối quan hệ Việt Nam- Cuba anh em sẽ “ngày càng phát triển, mãi mãi gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, cùng vững bước trên con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã khẳng định.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Cuba của của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến, thống nhất phương hướng và biện pháp cụ thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong giai đoạn phát triển mới ở cả hai nước. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định, Việt Nam coi trọng và quyết tâm cùng Cuba tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.
Theo TTXVN