1. Liên hợp quốc báo động về tình trạng khan hiếm nước sạch trên thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 22-3 cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng đối với nước sạch và tác động nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu đang khiến khan hiếm nước trở thành mối quan ngại sâu sắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại buổi lễ phát động Thập kỷ Quốc tế hành động vì nước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Guterres cho hay tới giữa thế kỷ này, nhu cầu đối với nước sạch dự kiến tăng hơn 40%, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ở tốc độ nhanh, càng làm tăng sức ép về nước.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, hiện 40% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 80% nước thải đang được đổ thẳng ra môi trường mà không qua xử lý và hơn 90% dịch bệnh có liên quan đến nước. Hơn 2 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, và hơn 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhiều trong số những dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở thế giới đang phát triển có liên quan trực tiếp đến nước uống không an toàn, vệ sinh kém và các tập quán vệ sinh không đạt chuẩn.
Người đứng đầu Liên hợp quốc tuyên bố tổ chức này sẵn sàng trợ giúp các quốc gia thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi những tập quán tốt nhất, nâng cao nhận thức và hình thành các mối quan hệ đối tác. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng đáng ra phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn của thế giới. Do đó, ông kêu gọi các quốc gia chung tay gây dựng một thế giới bền vững hơn và bắt đầu một thập niên hành động để đảm bảo nước cho sự phát triển bền vững.
2. Anh, EU đạt thỏa thuận về giai đoạn chuyển giao. Ngày 1-3, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, với giai đoạn chuyển giao kéo dài tới gần 2 năm.
Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier đưa ra thông báo trên sau các phiên đàm phán “căng thẳng” với Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis tại Brussels (Bỉ). Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU tuy nhiên vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Davis cho biết Anh và EU đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12 tới. London sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy tắc thương mại của EU trong giai đoạn chuyển giao. Anh được phép thông qua các thỏa thuận thương mại mới trong giai đoạn này nhưng các thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực sau ngày 31-12-2020.
3. Facebook đối mặt với làn sóng dư luận bất chấp lời xin lỗi. Lời xin lỗi công khai và cam kết tăng cường bảo mật thông tin của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã không thể dập tắt làn sóng chỉ trích của dư luận cũng như giải tỏa sức ép chính trị từ các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu trong vụ Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh, thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Diễn biến này báo hiệu một viễn cảnh sóng gió đối với Facebook.
Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ cho rằng ông Zuckerberg mới là nhân chứng chủ chốt, có thể giải đáp nghi vấn hiện nay. Cơ quan này cho biết trong những ngày tới sẽ sớm yêu cầu ông Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, có thông tin cho rằng Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đang mở cuộc điều tra vụ bê bối gây chấn động dư luận này. Động thái trên được đưa ra sau khi các lãnh đạo của Facebook không làm hài lòng các quan chức Mỹ trong cuộc gặp kéo dài 2 tiếng vào ngày 22-3 với khoảng 60 câu hỏi chưa được làm rõ.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, vụ bê bối cũng trở thành tâm điểm thảo luận của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang tham gia hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ. Các nhà lãnh đạo EU sẽ sớm ban hành quy định cứng rắn hơn đối với các hãng công nghệ lớn trong việc bảo mật thông tin. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani lên tiếng hối thúc nhà sáng lập Facebook sớm chấp nhận yêu cầu ra điều trần trước cơ quan này. Ông Tajani cho rằng sẽ là sai lầm lớn nếu ông Zuckerberg không làm rõ những nghi vấn của cơ quan lập pháp như EP có nhiệm vụ quản lý một thị trường với 500 triệu người, trong số này có hàng triệu khách hàng của Facebook. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài BBC, Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Phương tiện truyền thông và Thể thao Anh Matt Hancock cho rằng những cam kết bảo mật thông tin của Facebook là không đủ, mà cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp.
CĐ