Trong báo cáo mới nhất, WB cho rằng đến năm 2050, sẽ có 143 triệu người di cư do khí hậu phải đối mặt với "mối đe dọa hiện hữu" và buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong số này có khoảng 86 triệu người thuộc vùng Nam sa mạc Sahara tại châu Phi, 40 triệu người dân các nước Nam Á và 17 triệu người Mỹ Latinh. Điều đáng chú ý là hơn 50% trong người di cư này tập trung tại các nước đang phát triển.
Giám đốc điều hành của WB, bà Kristalina Georgieva (Cri-xta-li-na Gioóc-gi-ê-va), nhận định biến đổi khí hậu chắc chắn đã trở thành "động lực của tình trạng di dân", buộc từng người dân, các gia đình, thậm chí cả cộng đồng tìm kiếm nơi cư trú. Theo bà, sự biến đối khí hậu gây ra mối đe dọa về sự sinh tồn, xã hội và kinh tế đối với các nước, và nếu có sự vào cuộc mang quy mô toàn cầu nhằm giảm lượng khí phát thải, hàng chục triệu người sẽ không phải rời bỏ nhà cửa.
Báo cáo cũng chỉ rõ dân số của Ethiopia sẽ tăng gần 2 lần đến năm 2050, kéo theo số người di cư tăng do mùa màng kém. Còn tại Bangladesh, người di cư do khí hậu có thể trở thành nhóm người đơn lẻ lớn nhất trong số những người phải rời bỏ nhà cửa. Mexico cũng không tránh được tình trạng này với làn sóng di dân về các khu đô thị ngày càng tăng nhằm tránh xa những khu vực bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Tại hôi nghị mới đây của Tổ chức Di cư Quốc tế, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Nicolas Hulot (Ni-cô-la Uy-lô) nhận định các vấn đề về khí hậu đã khiến số người di cư tăng 2 lần, tương đương mức tăng của những người di cư do xung đột, và đây được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng di dân hiện nay.
Theo thống kê của WB, đã có hơn 1 tỷ người dân di cư tại khi vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, và con số này có thể tăng lên 2,7 tỷ người trong hơn 4 thập kỷ tới. Điều này đe dọa đến an ninh lương thực bởi nhu cầu lương thực cao trong khi nguồn cung hạn chế.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số dân di cư có thể giảm 80% nếu như chính phủ các nước nỗ lực giảm khí phát thải, thúc đẩy quy hoạch phát triển và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu tình trạng di dân do khí hậu. WB cho rằng thiếu vắng sự hỗ trợ và quy hoạch phù hợp sẽ khiến người dân di cư từ các khu vực xa xôi đến đô thị phải đối mặt với những nguy cơ nguy hiểm hơn, và ngược lại tình trạng này sẽ không biến thành cuộc khủng hoảng nếu như các nước có kế hoạch từ bây giờ.
Theo TTXVN