1. Liên hợp quốc gia hạn sứ mệnh của UNMISS.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 15-3 đã thông qua Nghị quyết gia hạn sứ mệnh của phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) thêm 1 năm, đến ngày 15-3-2019.
Nghị quyết này được tất cả các thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua, theo đó duy trì mức trần quân số hiện nay của UNMISS là 17.000 binh sĩ và 2.101 cảnh sát.
Nghị quyết trên cũng yêu cầu tất cả các bên ngay lập tức ngừng giao tranh trên toàn Nam Sudan, đồng thời các nhà lãnh đạo Nam Sudan cần thực thi thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn được công bố trong hòa ước năm 2015 và những lệnh ngừng bắn đã được nhất trí trong những năm sau đó. Chính phủ quá độ tại Nam Sudan cũng phải thực hiện các biện pháp để phát hiện và truy cứu những hành động cản trở hoạt động của UNMISS và các hoạt động nhân đạo. Nghị quyết nêu rõ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có thể xem xét mọi biện pháp thỏa đáng để trừng phạt những lực lượng có hành động phá hoại hòa bình, sự ổn định và an ninh của Nam Sudan.
2.Tổng thống Mỹ thay nhân sự để siết chặt chính sách ngoại giao
Ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột thông báo quyết định cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson, đồng thời bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào cương vị này. Quyết định thay đổi nhân sự của Tổng thống Trump được chú ý đặc biệt khi Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Triều Tiên, cuộc gặp được kỳ vọng có thể mở ra cơ hội cho bế tắc kéo dài nhiều năm qua trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Quyết định nói trên được Tổng thống Trump đưa ra chỉ 4 giờ sau khi ông Tillerson trở về Washington sau chuyến công du dài ngày tới châu Phi.
Giới phân tích cho rằng động thái kể trên của Nhà Trắng có thể là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang tìm cách siết chặt kiểm soát chính sách đối ngoại, trong bối cảnh nhiều quyết định và hành động của ông đi ngược lại những tuyên bố tranh cử. Chuyên gia Thomas Wright làm việc tại Viện Brookings cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách “bổ nhiệm những nhân vật trung thành và giúp ông chống lại những truyền thống” và đây là tín hiệu cho thấy ông Trump muốn thâu tóm và kiểm soát chính sách đối ngoại theo hướng riêng của mình.
3. Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Sau khi Na Uy được xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới hồi năm ngoái, năm nay đến lượt Phần Lan được chính thức xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, bao gồm cả phần đánh giá của những người nhập cư đến nước này. Đây là xếp hạng của báo cáo mang tên “World Happiness Report” được Liên hợp quốc công bố ngày 14-3.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Phần Lan đã vượt qua Na Uy và Đan Mạch để dẫn đầu trong bảng xếp hạng kể trên, tiếp đến là Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Canada, New Zealand, Thụy Điển và Australia. Ngoài việc được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Phần Lan cũng được xếp hàng đầu về tiêu chí hạnh phúc của người nhập cư vào nước này.
Được Liên hợp quốc thực hiện từ năm 2012, báo cáo “World Happiness Report” xếp hạng 156 quốc gia theo những tiêu chí như sự giàu có, mục tiêu sống, vấn đề tham nhũng, tự do và những yếu tố khác trong việc đánh giá chất lượng cuộc sống. Báo cáo này đặc biệt quan tâm đến mức độ hạnh phúc của người nhập cư với 4 chương về di cư (gồm cả di cư trong nước và quốc tế), theo đó tổng cộng 117 quốc gia đã được xếp hạng theo mức độ hạnh phúc của người nhập cư. Đứng cuối bảng xếp hạng trong báo cáo nói trên là những nước như Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Tanzania và Yemen.
CĐ