Biến đổi khí hậu: Thiên tai gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp các nước đang phát triển

Theo báo cáo của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2005-2015, hạn hán, lũ lụt đã gây thiệt hại tới 96 tỷ USD cho ngành nông nghiệp và chăn nuôi của các nước đang phát triển. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với chính phủ các nước cần có biện pháp bảo vệ người nông dân nghèo trước thiên tai.

Báo cáo công bố ngày 15-3 cho biết các nước châu Á chiếm tới 50% tổng thiệt hại trên do đây là khu vực hứng chịu thiên tai nhiều nhất thế giới. Bão, động đất, sóng thần và hạn hạn thường xuyên xảy ra tại các nước châu Á. Riêng hạn hán đã gây thiệt hại 29 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp của các nước đang phát triển, là hiểm họa lớn nhất đe dọa an ninh lương thực và thu nhập của người nông dân. Tại châu Phi, ngành nông nghiệp đã thiệt hại 26 tỷ USD vì thiên tai trong vòng một thập kỷ qua, trong khi con số đó ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe là 22 tỷ USD. Hạn hán nghiêm trọng và kéo dài là nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt và chăn nuôi tại cả hai khu vực này. Ngoài ra, các loài gây hại cho cây trồng và dịch bệnh ở vật nuôi cũng khiến nông dân châu Phi thiệt hại khoảng 6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu dường như đang khiến cho tình hình thiên tai trở nên nghiêm trọng, là thách thức lớn đe dọa hoạt động sản xuất và cuộc sống của con người. Những cố gắng của con người trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai là một phần trong kế hoạch phát triển nông nghiệp hiện đại có khả năng chống chịu được với thiên tai. Trong số các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là lai tạo ra các giống cây mới có khả năng chống chịu cao trong điều kiện thời tiết và môi trường sống khắc nghiệt như hạn hán hay lũ lụt. Ngoài ra, chính phủ các nước cần chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ thời tiết xấu, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo hiểm và hỗ trợ tài chính hợp lý cho người nông dân.

Báo cáo về thiệt hại do thiên tai gây ra của FAO được cập nhật 2 năm một lần nhằm nhắc nhở trách nhiệm toàn cầu trong cuộc chiến chống đói nghèo và hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo thống kê, hiện toàn thế giới có khoảng 2,5 tỷ người sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

Theo TTXVN