Đậu ván trắng có giá trị về dinh dưỡng rất cao, trong đó tỷ lệ chất đạm cao hơn thịt nạc heo, thịt nạc bò; về chất tinh bột cao tương đương như các loại lương thực thông dụng như gạo, bắp, mì… Các loại vitamin trong đậu ván cũng rất phong phú như vitamin nhóm B, vitamin A, C và một số vi chất khác.
Đậu ván trắng có tên là bạch biển đậu, có vị ngọt, nhạt, tính bình, không độc, có công dụng bổ tỳ vị, giải cảm nắng, tiêu độc, trừ thấp… thường dùng chữa các chứng bệnh về suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy, cảm nắng, giải độc rượu, dị ứng các loại hải sản như tôm, cua sò, ốc, cá… Trong các bài thuốc Đông y trị chứng cam tích gầy còm, suy dinh dưỡng của trẻ con, đậu ván trắng là vị chủ dược để bổ dưỡng, làm mạnh tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon, chóng lớn.
Một số công dụng của đậu ván trắng như sau:
Chế thành sữa dinh dưỡng: Hạt đậu ván 500 g ngâm mềm bóc bỏ vỏ, cho xay với 1 lít nước sạch thành nước sữa, đem nấu chín, để nguội lọc qua một lượt, thêm đường vừa uống, chia uống nhiều lần trong ngày, có tác dụng bồi bổ tăng lực, giải khát, giải nhiệt, chống mệt mỏi.
Chế bột dinh dưỡng: Đậu ván ngâm rửa sạch, sao hơi vàng, tán bột mịn, đựng kín để dùng dần, bằng cách cho vào nấu cháo, nấu bột cho trẻ em ăn hàng ngày.
Chế kẹo bổ: Dùng bột đậu ván chế bột dinh dưỡng như nêu trên, luyện với đường cát hoặc mạch nha thành kẹo, chia viên, cho trẻ ăn dần.
Chữa cảm nắng, khát nước, mệt người do làm việc ngoài nắng: Đậu ván trắng 50-70 g sao vàng giã nát, lá é trắng 100 g, nấu đậm uống dần.
Chữa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa: Đậu ván 30 g, củ sả 20g, é trắng 40g, sắc với 1 lít nước còn ½ lít, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa chứng tiêu hóa kém, suy nhược cơ thể, giảm đường huyết của người bị tiểu đường: Đậu ván trắng và nấm mèo đen lượng bằng nhau, rửa sạch, phơi ráo, sao thật khô, xay mịn, đựng kín dùng dần. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10 g với nước chín.
Sơ cứu ngộ độc thức ăn, giải say rượu: Đậu ván trắng 30 g giã nhuyễn, thêm 1 chén nước gạn cho uống.
Lưu ý: Khi dùng trái đậu ván tươi nấu ăn cần phải bẻ bỏ 2 đầu, tước bỏ sợi biên 2 cạnh, nấu thật chín để tránh ngộ độc, dị ứng do chất độc Saponin có trong vỏ trái đậu tươi. Người bị dị ứng với đậu ván thì không nên ăn, nếu ăn sẽ bị ngứa, phù, nổi mề đay cả người, có thể sốc nặng...
Lương y LÊ NGỌC VÂN