Nhộn nhịp tàu xe sau Tết

Bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, nhiều người dân, học sinh, sinh viên về quê ăn tết đã chuẩn bị trở lại thành phố Hồ Chí Minh công tác và học tập. Những ngày này, tại các bến xe, nhà ga, lượng hành khách đã tăng lên đột biến.

Sẵn sàng vận chuyển khách

Chỉ trong 3 ngày, từ mùng 5-7 tết, Bến xe Ninh Thuận đã vận chuyển 4.935 lượt hành khách, với 173 chuyến xe xuất bến, chủ yếu đi các tuyến từ Phan Rang đến thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, trong đó, tuyến đi Buôn Mê Thuột bình thường mỗi ngày có 2 chuyến xuất bến thì trong ngày mùng 4 và mùng 6 Tết đã phải tăng lên 3 chuyến/ngày. Riêng đối với loại xe giường nằm đi thành phố Hồ Chí Minh hiện tại đã hết vé và chỉ còn vé từ ngày 13 Tết trở đi. Theo dự đoán trong 2 ngày mùng 10, 11 tới, lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng cao do các ngày này đều rơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Qua ghi nhận, hành khách đến các nhà xe đặt vé đi thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày này đều phải trở về tay không. Trong khi đó, ông Trương Phi Hùng, Trưởng Bến xe Ninh Thuận lại cho biết: Hiện mỗi ngày bến xe có thể điều đến 120 xe xuất bến, vận chuyển 3.600 hành khách. Những ngày cao điểm vừa qua chúng tôi mới chỉ thực hiện 1/3 khả năng của mình, như vậy số lượng xe còn dư là rất nhiều.Vì thế, bà con muốn đi lại nên vào bến xe để mua vé. Sở dĩ có nhiều hành khách không mua được vé tại bến do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do “kén” xe, như yêu cầu mua vé giường nằm mà không chịu ghế ngồi; chọn các xe có “thương hiệu” để đi, hoặc muốn đi ngay thời điểm đến mua vé mà không chịu đợi đi chuyến sau nên ra bắt xe dọc đường”.

“Nóng” tại Ngã năm Phủ Hà

Trong khi bến xe vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thì mỗi ngày vẫn có hàng trăm hành khách đỗ ra Ngã năm Phủ Hà để bắt xe dọc đường, chủ yếu đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Tình trạng cò xe chèo kéo hành khách, xe đậu đón khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra ngang nhiên, làm mất an ninh trật tự đô thị. Khi được hỏi vì sao không vào bến xe mua vé để đi, anh Hồ Quốc Cường, sinh viên đang theo học tại thành phố Hồ Chí Minh cùng 3 người bạn của mình đều trả lời: “Tụi em đi thẳng từ nhà đến đây để bắt xe cho nhanh, mua vé phải đợi chờ phiền phức lắm”. Còn chị Trần Thị Minh, một công nhân đang đợi xe lại cho biết: Do đi đột xuất nên ra đây bắt xe cho nhanh chứ mua vé ở bến không biết có hay không, mà khi nào mới đi được!”. Nhiều xe đã chật kín khách, hành khách lên sau phải ngồi ghế nhựa giữa lối đi, vậy mà cò xe hét giá lên đến 150-170.000 đồng/người.

 

Để tránh lực lượng thanh tra giao thông, cò xe thuê xe ôm chở khách
chạy qua cầu Đạo Long rồi mới đưa khách lên xe.

Dọc theo đường 21 Tháng 8, trung bình mỗi ngày cũng có không dưới 100 lượt hành khách đợi bắt xe lên Lâm Đồng. Cảnh dừng xe, chèo kéo khách cũng không kém phần “nhộn nhịp”. Đóng vai một hành khách đón một chiếc xe chạy hướng Nha Trang lên Đà Lạt, hỏi giá bao nhiêu, cò xe “hét” đến 120.000 đồng/người, cò kè mãi cuối cùng cò xe chốt giá 100.000 đồng/người. Qua quan sát, mặc dù xe chỉ 24 chỗ ngồi nhưng bên trong đã có không dưới 30 hành khách cùng cả hành lý… chật kín. Vậy mà khi chúng tôi nói rằng cần đi thêm 3 người nữa, cò xe vẫn đồng ý xắp xếp chổ. Anh Trịnh Minh Tâm, một công nhân đang đợi xe lên Cầu Đất (Lâm Đồng) cho biết: Muốn đi nên đặt vé tại các nhà xe, giá vé cũng chỉ từ 55.000-60.000 đồng/người. Nếu bắt xe dọc đường chắc chắn không dưới 100.000 đồng/người. Trong những ngày tết như thế này xe nào cũng đông khách và phải chịu ngồi ghế xúp thôi”. Những ngày này, lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông cũng được tăng cường chốt tại các điểm “nóng”. Trong các ngày trước và sau tết, Thanh tra Giao thông tỉnh đã xử phạt trên 20 trường hợp xe vi phạm, chủ yếu không đậu đỗ đúng nơi quy định.

Trên tuyến đường sắt cũng sôi động không kém. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vào ngày mùng 5 Tết, Ga Tháp Chàm tổ chức tăng cường 400 vé vận chuyển khách vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng cho đến ngày mùng 7 Tết vẫn xảy ra tình trạng “cháy” vé. Nhiều hành khách đến mua vé đi vào các ngày mùng 8, mùng 9 cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên dự báo sau mùng 10 Tết tình hình sẽ khả quan hơn. Giá vé tăng 30% so với ngày thường cho đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trái ngược với tình hình khan hiếm và tăng giá đối với vé tàu vào Nam thì vé tàu ra Bắc khá thoải mái, mặc dù được giảm đến 10% giá vé đối với các tàu chính như SE, TN. Đặc biệt đối với các tàu tăng cường TN3, TN4, giá vé ra Bắc có thể giảm đến 70%.